Thursday, February 6, 2025

HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

HomeNăm CMùa Giáng SinhSuy Niệm Lời Chúa - Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh

BÀI ÐỌC I: 1 Ga 5, 14-21

“Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết. Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.

ALLELUIA: Dt 1, 1-2

All. All. – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – All.

PHÚC ÂM: Ga 3, 22-30

“Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!” Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

11/01/2025 – THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

Ga 3,22-30

LỜI CHỨNG TỐI HẬU CỦA GIO-AN

Ông Gio-an trả lời [cho các môn đệ]: “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người’… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28.30)

Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gio-an đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giê-su – mà sau đó điều này đã thực sự xảy ra – Gio-an, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gio-an đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học ki-tô hướng tâm (christocentric).

Mời Bạn: Từ thời của Gio-an đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Ki-tô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Ki-tô. Giữa các đồng nghiệp, các đoàn thể trong giáo xứ đang có những xung đột nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Sống Lời Chúa: Bắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình mỗi khi làm việc, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình
tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê.
Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau, và Ngài đã làm phép rửa.
Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria,
Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa
cho những người đến với ông.
Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau,
được làm bởi hai người khác nhau.

Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất giữa hai phép rửa này.
Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn.
Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều đó
và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một tin không vui:
“Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).
Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ làm chứng,
người đã sống bên Thầy ở bên kia sông Giođan (c. 26),
bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy.
Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào.
Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu,
Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi chịu phép rửa..
Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu:
Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28).
Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể,
vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c.29).
Cựu Ước coi dân Ítraen là cô dâu (Is 62, 4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21).
Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32).
Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng.
Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng.

Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa,
thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình,
sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau.
Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm vui của Thầy,
niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c.29).
Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của ông.
Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật, chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG GIÊNG

Thế Giới Khát Khao Hòa Bình

Chất lượng đời sống trong một quốc gia hay trong bất cứ cộng đồng nào khác đều tùy thuộc ở chỗ có hay không có sự hòa bình và tình huynh đệ. Một khi thực sự có bầu khí hòa bình, những năng lực hướng thiện phi thường sẽ được giải phóng, đem lại niềm vui, thúc đẩy sáng tạo, giúp người ta đạt đến mức trưởng thành đầy đủ và làm việc với nhau trong tinh thần con cái của Thiên Chúa Tình Yêu. Ở đâu có hiện diện tinh thần huynh đệ đích thực, ở đó quyền lợi của kẻ yếu và của người cô thế cô thân sẽ không bị chà đạp. Phẩm giá và thiện ích của mọi người sẽ được trân trọng bảo vệ và tăng triển. Và chỉ có hòa hình khi người ta biết gìn giữ và củng cố công bằng, tự do và lòng tôn trọng đích thực đối với bản tính con người.

Nhưng thế giới hiện nay lại quen với tình trạng thiếu vắng tình huynh đệ, quen với sự kích động bạo lực, sự phân biệt đối xử và sự bất công. Một thế giới như vậy quả đang thách đố chúng ta biểu lộ tình người. Chất lượng của các cộng đồng và các quốc gia đang bị đe dọa. Và mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với thách đố này.

Cả nhân loại là một gia đình – một đại gia đình với tất cả những nét đa dạng của nó. Cổ võ cho hòa bình, cho công bằng giữa các quốc gia và cho sự đoàn kết thực sự giữa các dân tộc; đó là tôn chỉ ngày càng thôi thúc chúng ta hôm nay. Các vị lãnh đạo của các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn thường xuyên nói lên điều đó. Các kế hoạch hòa bình được hậu thuẫn bằng nhiều cách thế khác nhau bởi hầu như tất cả các đảng phái chính trị trên thế giới. Các phong trào quần chúng và công luận cũng đề cao cùng một tôn chỉ ấy. Ở bất cứ nước nào, người ta cũng ngán ngẩm những xung đột và chia rẽ. Cả thế giới chúng ta đang khao khát hòa điệu và hòa bình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 11/1

1 Ga 5,14-21 ; Ga 3,22-30.

Lời suy niệm: Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gioan và một người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gioan và nói: “Thưa Thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông. Ông Gioan trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà mà không do trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước Người.” (Ga 3,25-28).

Thánh Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô trực tiếp của Chúa, đã được sai đến để dọn đường. Thánh nhân là ngôn sứ của Đấng Tối Cao trổi vượt tất cả mọi tiên tri và là vị tiên tri cuối cùng loan báo về Đấng Kitô. Khi có người muốn bảo vệ cho vị thế của Gioan Tẩy Giả, ông đã cho biết là: ông rất vui mừng khi ông đã giới thiệu Chúa Giêsu, và mọi người đã tin đi theo Người thì đó là niềm vui lớn của ông: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi (c.30)

Lạy Chúa Giêsu, mỗi người Kitô hữu đều có bổn phận giới thiệu Chúa cho mọi người. Xin cho mỗi người trong chúng con nhận được từ ơn ban của Chúa, để loan báo Tin Mừng với lòng khiêm nhường, hầu có thể làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

11 Tháng Giêng

 Kho Tàng Ẩn Dấu  

Chúng ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò quan trọng nhất không?

 Lá lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ thể con người.

 Lại nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị nhất trong cuộc sống con người?

 Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu.

Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin – tất cả những sinh hoạt tầàm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.

(Lẽ Sống)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments