BÀI ĐỌC I: Dt 3, 7-14
“Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay”.
Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, như Thánh Thần phán rằng: “Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng: Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta”. Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là “Hôm Nay”, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Ðức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 6-7. 8-9. 10-11.
Ðáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).
1) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
2) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.
3) Ròng rã bốn chục năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta!
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.
PHÚC ÂM: Mc 1, 40-45
“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
16/01/2025 – THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Mc 1,40-45
CHÚA MUỐN, CHÚA CÓ THỂ!
Có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !” (Mc 1,40-41)
Suy niệm: Những người phong hủi không được phép giao tiếp với người chung quanh, và ngược lại, những người lành sạch cũng không được phép tiếp xúc với người phong hủi; điều đó không chỉ đơn thuần vì lý do vệ sinh mà còn vì luật buộc nữa. Vậy mà đã có một sự phá lệ: người phong hủi chủ động đến gặp Chúa để van xin: “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể”; và Đức Giê-su cũng phá lệ “giơ tay, đụng vào anh” để chữa lành, vì Chúa muốn chứ sao lại không ? Một bên quá tuyệt vọng, ‘cùi’ rồi, không còn gì để mất, liều đến với Chúa như chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Một bên luôn giàu lòng trắc ẩn, nhất là đối với những người đang lâm cảnh tuyệt vọng như anh. Quả thật, ai đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Chúa, sẽ không phải thất vọng bao giờ.
Mời Bạn: Bạn đã bao giờ khao khát Chúa một cách mãnh liệt như thế chưa nhỉ? Nếu bạn cảm nhận sâu xa nỗi bi đát trong thân phận tội lỗi của mình, mời bạn đến với Ngài trong bí tích hoà giải để Ngài đụng tới tâm hồn bạn và chữa cho bạn lành sạch. Hay phải chăng bạn vẫn còn quan niệm bí tích giải tội như một thứ toà án ‘xử’ tội bạn?
Sống Lời Chúa: Đừng để gần đến ngày lễ lớn mới đi ‘xưng tội’ nhưng mời bạn đến với bí tích giao hoà như điểm hẹn mỗi khi bạn khao khát được nối lại mối thâm tình với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tội lỗi của con làm con khắc khoải. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con để con sống trong tình thân với Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46).
Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên,
phải vừa đi vừa kêu lên: “Ô uế ! ô uế !” để người ta biết mà tránh xa.
Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại…
Như thế từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong
và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này.
Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế,
phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày,
và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).
Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê.
Anh dám lại gần Đức Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch,
mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh,
chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó.
Đức Giêsu vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép.
Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh,
đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh,
dù chỉ một lời của ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh.
Cái đụng của bàn tay Đức Giêsu đã không làm ngài bị ô uế.
Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho anh bị phong.
Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá.
Người phong khi được khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao.
Vì thế người ta đổ xô nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành.
Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa !
Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giêsu
đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước.
Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu.
Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn…
Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong,
đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ.
Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong,
ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ.
Giáo hội Công Giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi,
và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo Hội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG GIÊNG
Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa
Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.
Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16/1
Dt 3,7-14 ; Mc 1,40-45.
Lời suy niệm: Có người mắc bệnh phong đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức bệnh phong biến khỏi anh và anh được sạch. (Mc 1,40-42).
Thiệt thòi của người mắc bệnh phong thời Chúa Giêsu, là một thứ bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc chữa trị, lại hay lây, nên những người mắc bệnh phong cần phải được cách ly xa cách với người dân, còn đối với Do-thái giáo thời bấy giờ họ còn cho những người này là ô uế, không được tham gia vào các sinh hoạt cùng với cộng đồng, không được đụng vào bất cứ ai và cả đồ vật của người khác, mà ai có đụng vào người phong cũng bị coi là ô uế.
Nhưng với người bệnh phong này, anh ta đã mạnh dạng tiến lại gần Chúa Giêsu và van xin Người: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Và Chúa Giêsu đã đụng vào anh ta và đã chữa lành cho anh ta.
Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay, trong mỗi người trong chúng con cũng đã có lúc mang lấy những chứng phong như thế. Xin cho mỗi người trong chúng con biết chạy đến với Chúa xin Chúa chữa lành, để chúng con được trở lại vui sống với cộng đoàn. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
16 Tháng Giêng
Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta
Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:
“Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: “Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ”.
Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng”.
Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.
Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.
Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: “Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng”.
Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.
(Lẽ Sống)