BÀI ĐỌC I: Ep 6, 10-20
“Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa để có thể đứng vững”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, về tương lai, anh em hãy can đảm trong Chúa, và trong quyền năng sức mạnh của Người. Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để anh em có thể chống lại được với những mưu chước ma quỷ. Bởi vì chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để có thể kháng cự được trong ngày đen tối, và đứng vững sau khi bình định được tất cả. Vậy anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình. Anh em hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, nhờ đó anh em dập tắt được mọi tên lửa kẻ cực ác. Anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, (tức là lời của Thiên Chúa).
Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó, và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Hãy cầu nguyện cho cả tôi nữa, để tôi được lợi khẩu khi mở miệng, và can đảm rao giảng mầu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả ngay trong lúc phải mang xiềng xích, hầu khi rao giảng, tôi mạnh dạn nói năng như tôi phải nói. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10
Đáp: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).
1) Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Đấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến.
2) Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Đấng phù trợ và giải phóng con, Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.
3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ ca mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Đavít là tôi tớ của Ngài.
ALLELUIA: x. Ep 1, 17-18
– Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 13, 31-35
“Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: ‘Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem’.
“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: ‘Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!’ ” Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
31/10/2024 – THỨ NĂM TUẦN 30 TN
Lc 13,31-35
“CÓ DUYÊN” VỚI CHÚA KI-TÔ
Chúa Giê-su bảo họ: “Hãy đi nói với con cáo ấy (Hê-rô-đê) rằng: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất…” (Lc 13,32)
Suy niệm: Người ta thường nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng.” Hê-rô-đê cai trị xứ Ga-li-lê-a, thiếu gì quyền lực, muốn gặp Chúa Giê-su, thiết thưởng chẳng khó khăn gì, nhưng ông vẫn “bất tương phùng” với Chúa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quả vậy, Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, còn Ngài lại gọi Hê-rô-đê là “con cáo”: Chiên và cáo có lẽ nào sống chung với nhau được! Con cáo có hang: Hê-rô-đê hưởng thụ phè phỡn nơi lầu son gác tía. Còn Con Chiên Giê-su sống đạm bạc “không nơi gối đầu” (Lc 9,58). Hê-rô-đê tưởng Gio-an Tẩy giả sống dậy và nhập thân nơi Chúa Giê-su nên muốn gặp mặt Ngài (Lc 9,7-8). Phải chăng ông muốn nhổ cỏ tận gốc? Chúa Giê-su lại chẳng xem sao mưu đồ ấy, mà chỉ nhắn cho con cáo ấy rằng Ngài vẫn ung dung hoàn tất sứ mạng của mình. Thế rồi Hê-rô-đê không hẹn mà được diện đối diện với Chúa Ki-tô trong cuộc thương khó của Ngài (x. Lc 23,8-11). Có người gọi như thế là duyên kỳ ngộ. Tiếc thay, một lần nữa Hê-rô-đê lại “vô duyên” với Chúa Ki-tô: ông ta miệt thị chế diễu Chúa, còn Ngài chỉ thinh lặng.
Mời Bạn: Bạn có trở thành “vô duyên” với Đức Ki-tô vì lối sống xa lạ với Lời Ngài hay không? Chỉ khi nào bạn cùng đi con đường thập giá với Chúa Ki-tô, con đường hiền lành, khiêm nhường, nghèo khó và chịu sỉ nhục, lúc đó bạn mới gặp được Ngài, mới “có duyên” với Ngài.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn soi gương tâm hồn (xét mình) để sửa lại những nét “vô duyên” của bạn đối với Chúa Giê-su, Đấng yêu thương bạn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu.
Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế.
Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu.
Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác.
Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu
về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31).
Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê,
vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.
Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì.
Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32).
Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước.
Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh.
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế.
“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33).
Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu.
Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê,
nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa.
Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại.
Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa.
Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác.
Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.
Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương.
Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!”
Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh.
“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34).
Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than.
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại.
Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người,
giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt.
“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35).
Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi,
để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy.
Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.
Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.
Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu.
Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi.
Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình,
với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển.
Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao,
dù điều đó dẫn ta đến với cái chết.
Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu.
Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu.
Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.
Cầu nguyện:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG MƯỜI
Ơn Hiệp Nhất
Trong ý nghĩa sâu xa nhất, sự hiệp nhất của Giáo hội là một hồng ân của Chúa Cha qua Chúa Kitô. Ngài là “nguồn mạch và trung tâm của mối hiệp thông Giáo Hội” (ibid. 20). Chính Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta Thánh Thần của Người, và Thánh Thần “ban sự sống, sự hiệp nhất và làm sống động toàn thân” (GH 7).
Sự hiệp nhất thâm sâu này được Thánh Tông Đồ Phao-lô diễn tả cách tuyệt vời: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng bởi ơn gọi của anh em; chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4 – 6). Những lời ấy thật hùng hồn và kích cảm biết bao! Thật vậy, những lời ấy cho thấy nhiệm vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại và mọi thế hệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo Hội là gìn giữ sự hiệp nhất này, và nhiệm vụ này không bao hàm gì khác hơn là trung thành trọn vẹn với Chúa của mình. Giáo Hội phải nỗ lực để tái lập sự hiệp nhất này ở bất cứ nơi nào mà nó đã bị suy yếu hay đã gãy đổ.
Trung tâm mối hiệp nhất của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Ngài là “viên đá góc” (Mt 21,42) của toà nhà Thiên Chúa tức là Giáo Hội (1Cr 3,9). Là “viên đá góc” của dân mới Thiên Chúa, của toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc, Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn Thánh Thể. Ngài dẫn chúng ta đến với chính Ngài. Và Ngài hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong Ngài.
Chúng ta hãy lắng nghe lời nguyện hiến tế trong bữa Tiệc Ly. Ngài thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Người vốn đã bộc lộ ‘danh’ của Chúa Cha cho các môn đệ Người. Vì Người sẽ không còn ở “trong thế gian” với họ nữa, Người xin Chúa Cha gìn giữ họ hiệp nhất trong sự nhận biết lời đã được ban cho họ (Ga 17,14). Đối tượng số một của lời Người cầu nguyện là sự hiệp nhất của những kẻ Người đã chọn, đó là các Tông Đồ. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng đối tượng ấy tới tất cả những ai sẽ đi theo Người qua mọi thời. Người thốt lên: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một” (Ga 17, 20 – 21).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 31/10
Ep 6, 10-20; Lc 13, 31-35.
Lời Suy Niệm: Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi nơi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông.” (Lc 13,31).
Trong các đoạn Sách Tin Mừng, chúng ta thường thấy nhóm người Pharisêu là những người công kích và chống đối Chúa Giêsu trên hành trình rao giảng của Người, nhưng rồi trong Tin Mừng của Luca này, chúng ta thấy có mấy người Pharisêu có thiện chí, nhận ra Người là Đấng họ đang cần, cần cho chính đời sống của họ, họ muốn Người được sự an toàn nên họ đã đến báo động cho Người biết.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa luôn hiện diện trong đời sống của bản thân và gia đình của chúng con. Giúp cho chúng con luôn được sống bình an và thánh thiện. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
31 Tháng Mười
Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ
Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.
Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?
Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu”.
Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: “Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm”. Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác… Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta”. Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin”.
Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: “Xin cứu chúng con khỏi ác thần”. Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: “Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”.
(Lẽ Sống)