Sunday, September 15, 2024

HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

HomeNăm BMùa Thường NiênSuy Niệm Lời Chúa - Thứ Tư tuần 16 TN - Năm...

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư tuần 16 TN – Năm B

BÀI ÐỌC I: Gr 1, 1. 4-10

“Ta đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”.

Khởi đầu sách Tiên tri Giêrêmia.

Lời của Giêrêmia, con trai của Helcia, thuộc gia tộc tư tế định cư ở Anathoth, thuộc lãnh thổ Bengiamin. Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Và tôi đã thưa lại: “A, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít”. Nhưng Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi đừng nói: Con là con nít, vì ngươi sẽ đi đến với những kẻ Ta sẽ sai ngươi đi; ngươi sẽ nói mọi điều Ta sẽ truyền dạy ngươi nói. Ngươi đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi”. Chúa phán như thế. Và Chúa giơ tay sờ miệng tôi mà nói với tôi rằng: “Ðây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Ðây hôm nay Ta ban quyền cho ngươi trên các dân tộc và trên các vương quốc, để ngươi lật đổ và đập phá, phân tán và tiêu diệt, xây dựng và vun trồng”.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17

Ðáp: Lạy Chúa, miệng con sẽ kể ra ơn Ngài giúp đỡ (x. c. 15).

1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu.

2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến lũy vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá tảng, là chiến lũy của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác.

3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con.

4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài.

ALLELUIA: Ga 14, 23

All. All. – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – All.

PHÚC ÂM: Mt 13, 1-9

“Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

24/07/2024 – THỨ TƯ TUẦN 16 TN

Th. Sác-be-li-ô Mác-lúp, linh mục

Mt 13,1-9

HẠT GIỐNG NÀO CHO THỬA ĐẤT?

“Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường… Có hạt rơi xuống trên đá sỏi… Có hạt rơi vào bụi gai…Có hạt rơi xuống đất tốt…” (Mt 13,1-9)

Suy niệm: Cuộc đời và tâm hồn mỗi người như một thửa đất: lúc chào đời, “nhân chi sơ, tính bản thiện”; hay nói như các triết gia, như “tabula rasa” (tấm bảng chưa viết gì). Biết bao hạt giống được gieo vào đó: của gia đình dòng họ, của nhà trường, giáo xứ… Chắc chắn hạt giống quý giá hơn cả là hạt giống Lời Chúa, được Thiên Chúa, người gieo giống quảng đại và lạc quan, vãi gieo vào tâm hồn con người, bất kể tâm hồn ấy thuộc loại đất gì. Dù bao thất bại trong quá trình gieo vãi và tăng trưởng – có hạt chưa kịp nẩy mầm, hoặc đã nẩy mầm, đã thành cây con, nhưng chết khô chết nghẹt – chỉ cần một hạt giống rơi vào đất tốt đủ bù đắp tất cả.

Mời Bạn: Nhìn lại thửa đất cuộc đời bạn để xem nó thuộc loại nào: vệ đường nước đổ lá khoai, sỏi đá hời hợt, bụi gai lo lắng sự đời, hay đất tốt đâm hoa kết hạt? Phần Thiên Chúa, người gieo giống quảng đại đã không chê tâm hồn bạn, dù chưa là thửa đất tốt; còn phần bạn, bạn có là thửa đất có trách nhiệm biết chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận Lời Chúa và sinh hoa kết quả chưa? Số phận của hạt giống Lời Chúa khi được gieo vào lòng bạn thế nào: chết yểu hay sinh hoa kết quả gấp trăm?

Sống Lời Chúa: Bạn sắp xếp để đưa việc suy niệm Lời Chúa hằng ngày vào trong giờ cầu nguyện chung trong gia đình/cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thánh Thần đổi mới trên chúng con. Xin ban sức mạnh giúp chúng con can đảm và quảng đại thực thi những điều đẹp lòng Chúa, và chỉ những điều đó mà thôi. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống.
Trước hết Ngài kể dụ ngôn này cho dân chúng và môn đệ (Mt 13,3-8).
Sau đó Ngài giải thích riêng cho môn đệ về ý nghĩa của dụ ngôn này
khi họ đến gần Ngài (Mt 13,18-23).

Dụ ngôn Ngài kể rất gần gũi với cuộc sống của người đương thời.
Câu chuyện về một người gieo hạt giống ở những loại đất khác nhau,
nên chúng cũng mang lại những hiệu quả khác nhau.
Có những hạt rơi trên vệ đường, đất cứng nên hạt nằm chơ vơ ở trên.
Chúng dễ dàng làm mồi cho lũ chim trời đến ăn mất.
Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỉ có một lớp đất mỏng ở trên.
Chúng mọc ngay, nhưng không sao bén rễ sâu được.
Lớp đá sỏi khiến rễ không hút đủ nước để nuôi cây.
Khi nắng nóng nổi lên, cây lúa bị cháy rụi và chết khô.
Có những hạt rơi trên bụi gai.
Cây lúa mọc lên, nhưng bụi gai lại mọc lên mạnh hơn lúa,
lấn át và làm cây lúa không lớn lên được và bị chết nghẹt.
Cả ba trường hợp trên đều cho thấy sự thất bại.
Các hạt giống rốt cuộc chẳng đem lại được gì.
May mắn thay có những hạt rơi vào đất tốt.
Đất không quá cứng, không sỏi đá, không bụi gai.
Những hạt này đã đem lại mùa bội thu vượt quá lòng mong đợi.
Một hạt thành gấp trăm, gấp sáu mươi hay gấp ba mươi.

Dụ ngôn Đức Giêsu kể cho đám đông dân chúng chỉ có thế.
Sau đó Ngài giải thích cho các môn đệ để họ hiểu (Mt 13,18-23).
Đức Giêsu chính là người gieo hạt giống.
Hạt giống là lời giáo huấn của Ngài.
Mỗi loại đất tượng trưng cho tâm hồn của một hạng người.
Có loại tâm hồn “vệ đường” cứng cỏi, khép kín, không chịu đón nhận.
Có thể xếp một số người trong nhóm Pharisêu vào loại này.
Họ đã tố cáo Đức Giêsu là liên minh với quỷ (Mt 9,34; 12,24).
Một số người ở các thành vùng Galilê cũng thuộc hạng người này,
vì họ đã không chịu hoán cải khi nghe Đức Giêsu (Mt 11,20-24).

Có loại tâm hồn “sỏi đá” nông nổi nhất thời, không bám rễ sâu trong đất.
Khi nghe lời của Đức Giêsu, họ lập tức đón nhận với niềm vui.
Nhưng khi gặp thử thách, bách hại, thì họ tháo lui và vấp ngã.
Đây là hình ảnh của đám đông chạy theo Đức Giêsu khi Ngài thành công,
Nhưng chẳng ai thấy họ trong những ngày Ngài bị bắt.
Có loại tâm hồn “bụi gai” làm cho lời Đức Giêsu bị bóp nghẹt.
Gai là nỗi lo âu chuyện đời và mê đắm danh vọng của cải.
Anh thanh niên giàu có đã không thể đáp lại lời mời của Đức Giêsu,
không phải vì có nhiều của cải, mà vì gắn bó với của cải quá mức.
Cả ba loại người trên đều nghe lời của Đức Giêsu,
nhưng lời ấy bị thui chột, không sinh được hoa trái nào.
Chỉ ai có tâm hồn “đất tốt” mới thật sự nghe và hiểu, rồi sinh trái.
Là môn đệ của Đức Giêsu, họ đã mở lòng đón nhận hạt giống.
Mùa bội thu lớn lao mà họ đem lại khiến ta có niềm lạc quan vô bờ.
Lời Đức Giêsu tung gieo sẽ thành công mỹ mãn,
bất chấp việc có những hạt giống rơi vào chỗ không phù hợp.

Qua dụ ngôn này, Giáo Hội sơ khai hiểu Đức Giêsu muốn nhắn nhủ gì.
Và đối với chúng ta, bài học của dụ ngôn vẫn không mất đi tính hiện đại.
Lời Chúa đã được gieo vào tim ta lại bị ác thần cướp mất.
Lời Chúa được đón nhận hời hợt và nông cạn nên chẳng biến đổi gì.
Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi lo lắng cơm áo gạo tiền, bởi đam mê vật chất.
Làm sao để cải tạo mảnh đất tâm hồn mình?
Làm sao để mảnh đất của mình mềm hơn, ít sỏi đá và gai góc hơn?
Có được tâm hồn như mảnh đất tốt không phải là chuyện tự nhiên.
Cần cộng tác với ơn Chúa để từ từ cải tạo mảnh đất của trái tim (Mt 13,19).

Cầu Nguyện:

Lạy Cha,
sống là tìm kiếm.
Mỗi người chạy theo điều mình đang mải mê kiếm tìm.
Chúng con tự hỏi mình đang tìm kiếm gì, tìm kiếm ai,
đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình.

Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian
chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.
Tiền bạc , danh vọng, khoái lạc, quyền lực
vẫn là những điều làm chúng con ngây ngất say mê.
Cha vẫn không có chỗ cao nhất trong cuộc đời của chúng con.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải.
Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê.
Xin làm cho chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.
Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha,
Vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy
những ước mơ sâu kín của chúng con,
và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG BẢY

Tạo Vật Mang Dấu Ấn Của Đức Kitô

Trong Thư Cô-lô-sê, chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối gắn kết chặt chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).

Ở đây chúng ta nắm bắt được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới mang trong mình nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức Kitô, bởi vì thế giới được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên Chúa như tặng phẩm đầu tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối cùng, cho thế giới. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).

Sự viên mãn cuối cùng của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt đến chính là nhờ tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính trong Đức Kitô mà chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con người – được hoàn tất.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 24/7

Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục

Xh 24, 3-8; Mt 13, 24-30.

LỜI SUY NIỆM:  “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa ruộng lúa, rồi đi mất.”

Lúa tốt và cỏ lùng, khởi nguyên là hoàn toàn khác nhau, về mọi mặt, nhưng sau một thời gian lẫn lộn có thể không phân biệt vì dáng vẻ bên ngoài có thể làm cho người ta lầm lẫn. Nhưng đến cuối mọi sự sẽ được phân biệt một cách rõ ràng, đâu là cần phải thu gom vào kho lẫm và đâu là cần bó lại và đốt đi.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa là hạt giống tốt được gieo vào trong tâm hồn mọi tín hữu nhưng ma quỷ nó muốn trà trộn những hạt cỏ lùng, để làm ảnh hưởng đến sự lớn mạnh sinh lợi của hạt lúa tốt. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết cảnh giác, đừng ngủ mê, nhưng phải luôn tỉnh thức, để khỏi bị những hạt cỏ lùng gieo vào trong tâm hồn chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

24 Tháng Bảy

Một Lời Thề Hứa

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu… Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.

Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng… Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng…

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần…

Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau…

10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng… Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều… Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.

Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành…

Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.

Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân…

(Lẽ Sống)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments