Friday, November 22, 2024

HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

HomeNăm BMùa Thường NiênSuy Niệm Lời Chúa - Thứ Tư Tuần 17 TN.

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư Tuần 17 TN.

Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la

BÀI ÐỌC I: Gr 15, 10. 16-21

“Tại sao tôi cứ buồn sầu mãi? Nếu ngươi quay trở về, ngươi sẽ hiên ngang trước mặt Ta”.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Mẹ hỡi, khốn cho con, tại sao mẹ đã sinh ra con là kẻ hay tranh luận và cãi vã trong khắp xứ? Con không cho vay mượn và cũng không ai cho con vay mượn, thế mà mọi người đều nguyền rủa con. Lạy Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, con lấy lời Chúa làm của ăn. Lời của Chúa trở nên sự vui mừng và hân hoan cho lòng con, vì danh Chúa được kêu cầu trên con. Con không ngồi trong đám người chơi bời; con hãnh diện vì các việc tay Chúa làm. Con chỉ ngồi một mình, vì Chúa đã khiến con đầy lời Chúa đe phạt. Tại sao con cứ buồn sầu mãi, và vết thương con trở thành hiểm nghèo bất trị? Nó trở nên như nước giả dối chóng cạn. Vì vậy, Chúa phán thế này: “Nếu ngươi quay trở về, Ta sẽ cho ngươi về đứng trước mặt Ta: nếu ngươi phân biệt được vật quý với vật hèn, ngươi sẽ nên như miệng Ta, người ta sẽ quay về với ngươi, và ngươi không phải quay về với họ. Ta sẽ khiến ngươi nên tường đồng kiên cố cho dân này. Họ sẽ giao chiến với ngươi, nhưng họ không thắng được, vì Chúa phán: Ta ở cùng ngươi để giải thoát và cứu chữa ngươi. Ta sẽ giải phóng ngươi khỏi tay kẻ độc dữ, và sẽ cứu chữa ngươi khỏi tay kẻ hung bạo”.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 58, 2-3. 4-5a. 10-11. 17. 18

Ðáp: Thiên Chúa là chỗ con nương thân trong ngày cơ khổ (c. 17d).

1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu con thoát lũ địch nhân; bảo vệ con khỏi bọn người nổi lên chống đối! Xin giải gỡ con khỏi những kẻ chuyên làm điều ác, và cứu con xa thoát bọn sát nhân.

2) Kìa chúng đang gài bẫy để sát hại con; âm mưu chống đối con là bọn người quyền thế. Lạy Chúa, con không vương tội ác lỗi lầm; dầu con vô tội, chúng cũng ùa tới tấn công.

3) Lạy Chúa là sức mạnh con, con hướng thân tìm về Chúa, vì lạy Chúa, Chúa là đồn lũy bảo vệ con. Thân lạy Chúa, Chúa là Ðấng xót thương con; lạy Chúa, xin Ngài ra tay nâng đỡ, khiến cho con được vui nhìn quân nghịch phải thua.

4) Phần con, con sẽ ca ngợi quyền năng Chúa, và mỗi buổi sáng, con hoan hỉ vì đức từ bi của Chúa, vì Chúa đã trở nên đồn lũy bảo vệ con, và chỗ con nương thân trong ngày cơ khổ.

5) Lạy Chúa là sức mạnh con, con ca ngợi Chúa; vì lạy Chúa, Chúa là đồn lũy bảo vệ con, thân lạy Chúa, Chúa là Ðấng xót thương con.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 13, 44-46

“Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó“.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

31/07/2024 – THỨ TƯ TUẦN 17 TN

Th. I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục

Mt 13,44-46

VUI MỪNG “BÁN” TẤT CẢ

“Tìm được viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc quý ấy.” (Mt 13,46)

Suy niệm: Nhiều tác giả nói với ta về ngọc trong đá, ngọc giữa đời, thế giới này tựa như con trai, dành cho bạn để bạn khám phá ra ngọc trong những trai ấy. Cũng vậy, Đức Giê-su dùng hai hình ảnh cho thấy sự cao quý của Nước Trời cũng như niềm vui lớn lao khi nhận ra Nước Trời ấy giữa đời thường. Với bao người, thửa ruộng chỉ là thửa ruộng, nhưng với người nông dân này, thửa ruộng đó có chứa kho tàng, quý giá đến độ anh sẵn sàng bán tất cả để mua thửa ruộng ấy. Đang khi đó, người thương gia kia cả đời đi tìm viên ngọc quý. Một khi tìm được, tựa người nông dân, ông cũng vui mừng bán tất cả những gì có để mua. Kho tàng hay viên ngọc quý ấy chính là Đức Giê-su, Đấng ở với ta mọi ngày cho đến tận thế, hiện hữu thực sự trong Bí tích Thánh Thể, hiện diện cách kín đáo trong Lời Chúa, được hiện thực qua các mục tử, cũng như hiện thân nơi những kẻ bé mọn ta gặp mỗi ngày.

Mời Bạn: Cuộc đời người nông dân hoàn toàn thay đổi từ khi có kho tàng, lối sống người thương gia cũng đổi mới trọn vẹn sau khi sở hữu viên ngọc quý. Cũng vậy, một khi khám phá ra kho tàng, viên ngọc quý Giê-su trong đời thường, lối sống bạn cũng sẽ khởi sắc hẳn: vui mừng, sẵn lòng “bán” đi, chấp nhận từ bỏ tất cả những gì ở đời này để có được Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu.

Sống Lời Chúa: Mọi sự khởi đầu từ việc đổi mới cái nhìn của tôi về Chúa Giê-su. Ngài quý giá đến độ giờ đây, tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với cái lợi tuyệt vời là được biết Ngài (x. Pl 3,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xác tín Chúa là kho tàng vô giá, là viên ngọc quý của đời con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Hai dụ ngôn Kho báu và Viên ngọc quý không làm ta ngạc nhiên,
bởi lẽ ở vào hoàn cảnh đó, ai trong chúng ta cũng làm thế.
Nếu ta là một nông dân gặp được kho báu khi đang cày ruộng,
ta cũng sẽ tìm cách để mua được thửa ruộng đó bằng mọi giá.
Mua được thửa ruộng là có được kho báu vô chủ.
Có được kho báu là cuộc sống hoàn toàn không như xưa.
Nếu ta là một thương gia sành sỏi chuyên buôn ngọc,
đi khắp nơi để lùng những viên ngọc quý hiếm.
Nhờ may mắn mà tìm thấy được viên ngọc chỉ có trong mơ,
hẳn ta sẽ tìm mọi cách để chiếm được viên ngọc đó.

Khi người nông dân tìm thấy kho báu,
hay khi người thương gia tìm thấy viên ngọc quý,
cả hai đều có phản ứng như nhau.
Đó là sự say mê, phấn khích, và thèm muốn đến tột cùng.
Cả hai đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để sở hữu được chúng.
Kho báu hay viên ngọc quý thu hút toàn bộ suy nghĩ của họ.
Mọi sự khác trên đời dường như chẳng còn giá trị gì.
Họ coi cuộc đời họ như bị đổ vỡ nếu không chiếm được chúng.
Chính vì thế cả người nông dân và người thương gia
đều làm những hành động giống nhau:
đi, bán tất cả những gì mình có, và mua cho bằng được.
Không có dấu vết của nuối tiếc hay đắn đo.
Chỉ có niềm vui của người nghĩ mình đã làm đúng.
Chỉ có hạnh phúc của người biết là mình đã khôn ngoan.

Đấy là chuyện về kho báu và viên ngọc quý ở trần gian.
Còn Nước Trời có là kho báu hay viên ngọc quý đối với tôi không,
lại là chuyện khác.
Nước Trời có vẻ xa xôi, vô hình, mà tôi lại chưa có cảm nghiệm,
nên tôi không dễ thấy được giá trị và vẻ đẹp của Nước Trời.
Kho báu Nước Trời thì khó thấy, ít hấp dẫn.
Còn kho báu trần gian phù du thì ai cũng mong tích trữ,
đến nỗi Đức Giêsu phải kêu: Hãy tích trữ kho báu trên trời (Mt 6,20).
Vấn đề là tôi chọn kho báu nào, kho báu ở đâu thì tim ở đó (Mt 6,21).
Chỉ khi thấy Nước Trời là kho báu bền vững và vượt trội,
ta mới dám đi, bán tất cả những gì mình có mà mua.
Nếu chúng ta còn ngần ngại, bị giằng co giữa hai kho báu,
thì đó là vì chúng ta chưa thấy sự ưu việt của kho báu trên trời.

Để có được kho báu trên trời, cần làm một chọn lựa quan trọng.
Đó là bán tất cả những gì mình có.
Bán tất cả mọi sự không hẳn là trở nên trắng tay,
nhưng là đặt mọi sự mình có ở dưới Thiên Chúa.
Cả tương lai, gia đình, hạnh phúc, của cải, uy tín, thành công:
những kho báu đó phải đặt dưới Kho Báu viết hoa là Nước Trời,
và khi cần, chúng ta phải vui lòng hy sinh mọi sự.

Để thấy được vẻ đẹp của Nước Trời, cần có thời gian.
Để mê thiên đàng, cần gỡ mình khỏi những trói buộc vật chất.
Khi có kinh nghiệm về kho tàng mối mọt đục khoét được,
chúng ta sẽ dễ tìm đến kho báu đích thực, tuyệt đối.
Trước khi bán tất cả tài sản để mua viên ngọc quý là Nước Trời,
ta cần bán từ từ, từng món một, qua những buông bỏ mỗi ngày.
Rồi có lúc ta sẽ thấy mình tự do và siêu thoát.
Anh thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi vì muốn giữ của.
Còn người vui sướng bán tất cả lại thấy mình giàu có khi trắng tay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã trìu mến nhìn người thanh niên giàu có
và mời anh theo Chúa để được sự sống đời đời.
Chúa mời anh đi bán tài sản mình, cho người nghèo,
rồi đến và theo Chúa.
Nhưng anh đã buồn rầu bỏ đi, vì quá gắn bó với của cải.
Anh bị giằng co, vì anh muốn được kho tàng trên trời,
nhưng lại không muốn mất kho tàng dưới đất.
Hẳn Chúa cũng buồn và tiếc cho anh.
Chúa có mong anh ấy một ngày nào trở lại?

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã ngước nhìn ông Gia-kêu khi ông còn ở trên cây.
Chúa chỉ gọi tên ông và xin đến nhà của ông.
Chúa chẳng đòi ông phải hoán cải hay bỏ nghề thu thuế,
Nhưng trong cách cư xử trân trọng của Chúa,
ông nhận ra một lời mời.
Gia-kêu đã vui sướng đáp lại lời mời đó,
khi ông hứa sẽ đền gấp bốn, và cho người nghèo nửa phần gia sản.
Bỗng nhiên Gia-kêu được tự do khỏi của cải từng làm ông mê say.
Ông ngất ngây vì giờ đây nhà ông được hưởng ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu,
buông bỏ tất cả để sống cho những điều trên cao,
vừa khó lại vừa dễ.
Chỉ cần Chúa chạm đến chúng con một giây,
và vén mở cho chúng con thấy kho tàng trong trái tim Chúa,
chúng con sẽ hết bị ràng buộc bởi những thứ mau qua,
để sống cho những giá trị vĩnh cửu.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

31 THÁNG BẢY

Ngay Cả Sự Chết Cũng Phục Vụ Cho Sự Sống

Chúng ta nhận thấy Cựu Ước – trong khi nhìn nhận sự có mặt của nhiều loại sự dữ và đau khổ trong đời – đã làm chứng hùng hồn rằng sự khôn ngoan và lòng từ ái của Thiên Chúa (biểu hiện qua sự quan phòng thần linh của Ngài) tất thắng trên mọi sự dữ và đau khổ.

Cảm nhận này được trình bày trong Sách Gióp, cuốn sách xoáy trọn vào chủ đề sự dữ và tiếng kêu ai oán thất vọng. Cuốn sách quan trọng này (về chủ đề sự dữ) đôi khi được thấy như một kiểm nghiệm hùng hồn ‘đo lòng’ người công chính. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh phụ thuộc của quyển sách mà thôi. Cốt lõi của quyển sách chính là sự đúc kết vừa rõ ràng vừa công phu của tác giả rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Qua Sách Gióp, chúng ta nắm bắt những giới hạn và bản chất phù du của mọi tạo vật. Chúng ta nhận ra rằng một số hình thức của sự dữ thể lý có thể là do bản chất sa ngã của thế giới gây ra.

Chúng ta cũng ý thức rằng tất cả những gì thuộc vật chất đều ở trong một mối quan hệ hỗ tương gần gũi nhau – như câu nói xưa: “Đây chết thì kia sống”. Như vậy, xét một mức nào đó, ngay cả sự chết cũng phục vụ cho sự sống. Qui luật này cũng không loại trừ con người – vì con người vừa là xác thịt vừa là tinh thần, vừa khả diệt vừa bất tử.

Trong chiều hướng này, những ý tưởng của Thánh Phao-lô càng vén mở các chân trời rộng hơn nữa: “Dù con người bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2Cr 4,16). Rồi ngài nói thêm: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 31/7

Thánh Ignatiô Lôyôla, linh mục

Gr 15, 10. 16-21; Mt 13, 44-46.

Lời suy niệm: “Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thuở ruộng ấy.” (Mt 13,44)

Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, là con người khôn ngoan, khi biết đánh đổi tất cả những gì gọi là lợi lộc của thế gian, để tôn thờ một vị Thiên Chúa Tình Yêu và đầy quyền năng là Cha của mình, hằng mong muốn những gì là tốt đẹp nhất cho con cái của mình để đạt tới mục đích cuối cùng là được vui sống hạnh phúc trong Nước trời với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống ngày hôm nay, xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình của chúng con biết: phân định và chon lựa lấy những gì đem lại lợi ích cho phần rỗi linh hồn của chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 31-07: Thánh IGNATIÔ LOYOLA

Linh Mục (1491 – 1556)

Don Inigo Lopez de Recalde sinh khoảng năm 1481 tại miền đồi núi Basque gần làng Azpeytia. Ngài là con út trong số 11 người con của một gia đình quí tộc. Được rửa tội với tên Inigo, một vị thánh Tây Ban Nha dòng thánh Bênêdictô, nhưng sau này Ngài thường dùng tên Ignatiô thành Antiokia. Hồi còn niên thiếu, người giúp việc cho một người bạn quí tộc của một gia đình là Giuan Velasquez. Sau khi Velasquez từ trần, Ngài lại phục vụ bá tước Najera, phó vương miền Navarre. Ngài được giáo dục một cách hời hợt. Thời đó, Ngài chỉ ham chơi, thích những chuyện hào hùng, nhất là những ngày lễ duyệt binh.

Trong cuộc chiến Pháp, Tây Ban Nha tháng năm 1521 quân đội pháp đã vượt núi Pyrênê và tới phong tỏa Pampeluna. Nhiều người đã tính chuyện đầu hàng, nhưng Ignatiô quyết cầm cự. Trong cơn bão tố tại pháo đài Ignatiô bị trúng đạn pháo ở đùi, Ngài được chuyển về lâu đài ỏ Loyola. Nơi dây người ta khám phá ra rằng xương đùi đã bị xếp trật, phải mổ ra và sắp xếp lại. Ngài đã can đảm chịu đựng cơn đau.

Thời gian dưỡng bệnh lâu dài tiếp theo sau đó, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh làm mủi lòng Ignatiô. Ngài nói: – Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phaxicô và Dominico đã làm chăng ?

Năm 1522, sau khi bình phục, Ngài đi hành hương kính Đức bà Montserrat. Nơi đây Ngài đã thực hiện cuộc xưng tội trong ba ngày, trao tặng đồ hiệp sĩ cho một kẻ ăn xin, đặt gươm trên bàn thờ Đức Mẹ và tới thành Manresa kế cận để phục vụ trong một nhà thương. Đã một thời Ngài bị nguy hiểm rơi vào một cuộc khổ hạnh quá độ. Ngài Ngài đã thoát hiểm nhờ sự vâng phục hoàn tòan đối với cha giải tội. Chính tại Manresa, Ngài được Thiên Chúa soi sáng, sự soi sáng hứơng dẫn trọn những ngày còn lại của cuộc đời Ngài. Ngài viết cuốn linh thao, trong đó vạch ra những nguyên tắc mà một người công giáo phải theo để “điều khiển đời sống mình” một đời sống nhằm ca tụng Chúa, tôn kính và phụng sự Ngài, để được cứu rỗi. Ngài phác họa một giáo thuyết của mình về sự chọn lựa và đòi hỏi để làm mọi sự để “vinh danh Chúa” (Ad Majorem dei gloriam)

Thánh nhân ở lại Manresa khoảng một năm và từ đó hành hương đi Palestina, trên đường đi có dừng lại ở Roma. Sau khi đã kính viếng các nơi thánh ở Palestina, Ngài trở về Barcelona. Nơi đây, dầu đã 30 tuổi, Ngài vẫn đến trường, ngồi chung ghế với các em nhỏ, để sữa chữa lại kẽ hở trong việc học hành, cho tới khi Ngài có thể dự lớp tại đại học Alcala và Salamanca. Tại cả hai nơi này, đã Ngài bị truy tố ra tòa án tôn giáo và bị tống giam ít ngày. Nhưng cuối cùng giáo thuyết của Ngài đã thắng.

Năm 1528, Ngài bỏ Salamanca đi Paris và Sorbonne. Ngài ở Paris 7 năm, nơi đây Ngài tụ họp được sáu môn sinh đầu tiên. Vào ngày lễ Mông Triệu năm 1534 bảy anh em đã long trọng hiến thân phụng sự Thiên Chúa, khấn giữ đức nghèo khó và trong sạch, tại đền thờ thánh Denis tại Montmartre. Lúc đó, họ dự định đi Giêrusalem và hiến thân cho việc cứu rỗi các linh hồn trong các miền còn ngoại giáo.

Ignatiô trở về Tây Ban Nha. Năm 1535, tu hội đã lên tới 10 người. Họ gặp nhau ở Venitia, định cùng đáp tàu đi hành hương thánh địa. Nhưng tình hình miền Đông Địa Trug Hải không cho phép. Bù lại một số đi Roma, để Ignatiô tại Venitia. Đức giáo hoàng Phaolô III ưu ái tiếp họ. Trở lại Ventia, họ mang theo phép của Đức Giáo hoàng cho Ignatiô và 6 anh em được thụ phong linh mục.

Một năm sau, thấy rằng: không thể tới thánh địa được, Ignatiô kết luận rằng ý Chúa không muốn cuộc hành hương này. Thay vào đó, Ngài đặt tu hội dưới danh hiệu “dòng Chúa Giêsu” dưới quyền xử dụng của toà thánh. Họ đi Roma và Ignatiô dâng thánh lễ đầu tiên ở đầu vào dịp lễ Giáng sinh năm 1538 tại đền thờ Đức Bà cả, Ngài soạn thảo hiến pháp của dòng mới và đến trình diện Đức giáo hoàng Phaolô III. Đức giáo hoàng đã phát biểu khi gặp họ: – Đây là bàn tay Thiên Chúa.

Và trong sắc lệnh Regimini Militantis Ecclesioe, ban hành tháng 9 năm 1540 Ngài đã chính thức công nhận hội dòng. Hội dòng thêm vào đó 3 lời khấn: nghèo khó, vâng lời, trong sạch, lời khấn đặc biệt vâng phục Đức giáo hoàng.

Trong hiến pháp đầu tiên, hội dòng giới hạn con số có 60 tu sĩ. Ignatiô được đồng thanh bầu làm bề trên ngày 7 tháng 4 năm 1541. Luật hạn định tu sĩ vào số 60 được rút lại bởi sắc lệnh của Đức giáo hoàng ngày 15 tháng 3 năm 1543.

Ignatiô khó rời bỏ Roma cho đến cuối đời. Nhưng hội dòng đã lan rộng tới mọi miền trên thế giới, dưới quyền hướng dẫn của Ngài như một phép lạ, khi Ngài từ trần vào ngày 3 tháng 7 năm 1556, hội dòng đã có 12 tỉnh dòng với 101 nhà và gần 1000 phần tử.

Thánh Ignatiô được suy tôn hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

31 Tháng Bảy

Tiếng Kêu Của Ếch

Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.

Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: “Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?”.

Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: “Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi”. Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: “Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?”. Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: “Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?”.

Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm… Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: “Nào, hãy hát lên đi”. Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết… Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.

Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.

Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người… Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.

Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.

Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống “xin vâng” trong từng phút giây.

(Lẽ Sống)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments