BÀI ĐỌC I: Is 40, 25-31
“Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao. Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao? Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu. Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi. Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã. Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.
Ðó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 103, 1-2. 3-4, 8.10
Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.
1) Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người.
2) Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái.
3) Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta.
ALLELUIA:
All. All. – Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. – All.
PHÚC ÂM: Mt 11, 28-30
“Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
Ðó là Lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
11/12/2024 – THỨ TƯ TUẦN 2 MV
Th. Đa-ma-sô I, giáo hoàng
Mt 11,28-30
ĐƠN THUỐC GIẢI ĐỘC
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)
Suy niệm: Có một kinh nghiệm là đừng nên đùa giỡn một cách quá trớn với một người nóng tính, bởi vì có một lúc nào đó bạn sẽ bị mang hoạ vào thân vì tính hay đùa của bạn. Khi bạn nóng tính giận dữ, thì cánh cửa trí khôn của bạn đóng lại và bạn không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái. Khi lửa giận bừng bừng trong tim bạn thì lòng thương xót yêu người của bạn cũng bị đốt cháy tiêu tan, và thế là bạn trở thành con người ác độc. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã kê cho chúng ta một liều thuốc giải độc tính nóng nảy nguy hiểm ấy. Học với Chúa Giê-su sự hiền hậu, bởi vì người có tâm hồn hiền hậu thì không câu nệ chấp xét kẻ khác; hãy học Chúa Giê-su sự khiêm nhường, vì khiêm nhường là vũ khí đánh bại thói kiêu căng, người có lòng khiêm nhường thì luôn tự nhận thấy mình còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm, do đó mà không chỉ trích phê phán người khác.
Mời Bạn: Phải chăng trong thế giới cạnh tranh ngày nay, bạn phải phô trương mình ra nếu bạn muốn có địa vị? Khiêm nhường bị coi như hèn kém, bạc nhược? Đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi của tính tự cao, nhưng chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi.
Sống Lời Chúa: Nói những lời hiền hoà nhã nhặn với mọi người bạn gặp hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su rất hiền hậu dịu dàng, xin cho con biết luôn sống hiền hoà để đời con có thêm được nhiều niềm vui do chính Chúa ban tặng.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng
cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.
Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh
giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Ðức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ.
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại.
Gánh nặng phải mang vì người khác…
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,
chán chường và mệt mỏi.
Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.
Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài
mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,
về con đường hẹp mà ít người muốn đi,
về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban
đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,
vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)
Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:
“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu
thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,
cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,
cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,
và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhở đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG MƯỜI HAI
Một Người Mẹ Trong Trật Tự Ân Sủng
“Đức Maria Vô Nhiễm đứng dưới chân Thập Giá: Mẹ đã mang thai, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, dâng Người cho Chúa Cha trong Đền Thờ, chia sẻ đau khổ của Con mình khi Người chết trên Thập Giá. Vì thế, Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công cuộc của Đấng Cứu Thế bằng sự vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng cháy… Vì thế Mẹ là Mẹ của chúng ta trong ân sủng.” (LG 61). Đó là giáo huấn của Công Đồng.
Và đó là lý do tại sao Mẹ Thiên Chúa cũng gắn bó mật thiết với Giáo Hội. Mẹ là hình ảnh diễn tả Giáo Hội – như thánh Ambrôsiô dạy – trong trật tự của đức tin, của tình yêu và của sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Kitô. Thật vậy, ‘trong mầu nhiệm Giáo Hội, vốn được gọi rất đúng là ‘mẹ và trinh nữ’, thì Đức Nữ Trinh Maria đã đi đầu, đã tỏ ra là mẹ và trinh nữ trong một cách thế ưu việt và vô song” (LG 63).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11/12
Thánh Đamasô I, Giáo hoàng
Is 40, 25-31; Mt 11, 28-30.
Lời Suy Niệm: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi em ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30)
Trong cuộc sống của con người luôn thấy mình phải mang lấy những gánh nặng trên thân xác cũng như trong tinh thần. Chúa Giêsu biết rất rõ những điều ấy. Mặc dù Người là Thiên Chúa thật, nhưng Người cũng là người thật. Người đã sinh ra trong cảnh nghèo khó, Người đã từng là di dân tỵ nạn nơi đất khách quê người, Người bị người đời chống đối, bách hại, vu khống, hiểu lầm và thấy những cảnh đau thương của người đương thời… Nên Người mời gọi tất cả chúng ta hãy đến với Người và học với Người: từ bi, nhân hậu, khiêm nhường và tha thứ. Điều này mỗi người trong chúng ta phải tập sống từng ngày, nhờ đó chúng ta mới có được con tim bằng thịt, khi nhìn mình, nhìn người và nhìn mọi tạo vật khác. Giúp cho chúng ta nhận được sự bình an vui vẻ, không còn sự bực bội cáu gắt bất cứ ai, bất cứ sự việc gì mà mình phải đối đầu hay nhìn thấy.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang được sống trong sự thứ tha và yêu thương của Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con tập sống yêu thương tha thứ và khiêm nhường, để chúng con được sự bình an trong tâm hồn và hạnh phúc vui tươi với tất cả mọi hoàn cảnh và với mọi người. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 11-12: Thánh ĐAMASÔ I
Giáo Hoàng (305 – 384)
Đây là một vị giáo hoàng sáng chói trong Hội Thánh. Ngài đã xác nhận quyền tài thẩm trên toàn thể Giáo hội là do thánh Phêrô lãnh được bởi Chúa Kitô. Đức giáo hoàng Libêriô đã chú ý tới linh mục Damasô gốc Tân Ban Nha và đặt Ngài làm tổng phó tế cai quản Giáo hội. Khi hoàng đế Constance ủng hộ phái Ariô bắt Đức Libêriô đi đày. Damasô đi theo Ngài. Nhưng Đức Libêriô cảm thấy mình sắp chết, và để chiều theo ý Ngài, Damasô trở lại Roma, nơi Ngài sẽ được chọn làm giáo hoàng.
Giữa những phiến động, phân ly và xáo trộn, triều đại giáo hoàng của Ngài khổ não tột cùng. Dầu vậy, chính những điều đó làm nên vinh quang cho đức giáo hoàng. Là nhà trí thức, khảo cổ và thi nhân, Đức Damasô đã lưu giữ những chứng liệu quý báu về Roma của Kitô giáo thời xưa, Ngài đã sửa sang phần mộ các thánh tử đạo, trước tác những vần thơ để ở mộ bia. Những nét chữ đẹp trên các mộ mênh danh là “chữ Damasô”. Ngài cho xây nhiều đại thánh đường và nhiều nhà từ thiện.
Chúng ta phải biết ơn thánh Damasô nhiều, vì Ngài đã nhận thức được tài năng giá trị của thánh Hiêrônimô và đã trao phó trách nhiệm hiệu đính bản dịch thánh kinh. Chính Ngài đã kết các thánh vịnh bằng kinhsáng danh.
Giữ cho đức tin được tinh ròng ở cộng đồng Nicêa chống lại phái Ariô, Đức Damasô đã triệu tập nhiều công đồng. Công đồng Constantinople đã đưa Ngài tới danh hiệu cao cả nhất là “viên ngọc của đức tin”.
Đức Damasô đã viết nhiều vần thơ đề mộ bia. Có một tấm Ngài viết về chính mình và đăt ở nghĩa trang thánh Callistô: “Tôi, Damasô muốn được chôn cất tại đây, nhưng tôi sợ phàm tục hóa xương cốt các thánh nhân”.
Bởi vậy, Ngài đã được chôn cất trong một thánh đường ở Via Ardeatina.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
11 Tháng Mười Hai
Tiếng Khóc Của Sa Mạc
Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.
Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng thế tâm hồn con người luôn hướng về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao nghị lực, biết bao mồ hôi… để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt… Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.
(Lẽ Sống)