BÀI ĐỌC I: Ep 6, 1-9
“Không phải phụng sự loài người, nhưng là tôi tớ của Đức Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”.
Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.
Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Đức Kitô: không phải vâng phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những tôi tớ của Đức Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ, như phục vụ Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều gì lành, sẽ được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh em là những chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 13cd-14
A+B=Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán (c. 13c).
1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài, Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.
3) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên.
ALLELUIA: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! – Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 13, 22-30
“Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
30/10/2024 – THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30
GIỜ ĐÃ ĐIỂM
“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (Lc 13,27)
Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn quả là phũ phàng: đã không thèm nhìn mặt lại còn chửi rủa thậm tệ những người đã từng đồng bàn ăn uống với ông. Mà ông làm thế chỉ vì một lý do xem ra rất cỏn con: Họ đã không vào đúng cửa – cánh cửa hẹp – và hơn nữa, họ đã không đến đúng giờ. Thế nhưng, sự bất thường trong dụ ngôn lại là điều Chúa muốn nhấn mạnh: Lời Chúa không chấp nhận một một trạng thái bình bình, “không nóng không lạnh”, hay khoan giãn, khất lần khất lữa. Quả thật, Thiên Chúa nhẫn nại “đợi cho đến mùa gặt”, nhưng một khi “giờ đã điểm”, cửa phòng tiệc đã đóng thì không mở ra nữa.
Mời Bạn: Có những người nghĩ rằng họ đã được rửa tội, có tên trong sổ gia đình Công giáo, được gọi là “có đạo”, như thế đã là đủ rồi. Người đó có thể đang hưởng nhờ các ơn ích từ cộng đoàn từ những người đi trước, nhưng chính mình lại không góp phần xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Thiên Chúa đã ban cho họ nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống thờ ơ và lãng phí. Thế rồi khi giờ của họ đã điểm, họ lại bị lọt sổ, bị loại ra ngoài. Bạn có ở trong số này không?
Chia sẻ: Lời Chúa luôn đòi bạn đáp lại cách triệt để và dứt khoát. Bạn có sẵn sàng đáp lại như thế không?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi nhận ra tiếng Chúa mời gọi, bạn đáp lại ngay tức khắc, ví dụ tới giờ thức dậy, bạn dậy ngay; hoặc tới giờ đi lễ bạn xếp lại công việc để đi lễ, không làm ráng…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh của Ngài để con có thể vượt thắng yếu đuối của bản thân để mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa hơn.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
SUY NIỆM
Cuộc sống đời này dù dài mấy cũng có lúc chấm dứt.
Con người không chỉ đặt câu hỏi mình từ đâu đến,
mà còn đặt câu hỏi mình sẽ đi đâu.
Cả người vô tín cũng không thể tránh câu hỏi này.
Có người coi cái chết là dấu chấm hết,
nhưng có nhiều người tin vào thế giới mai sau.
Cuộc sống đời này chỉ là phù du tạm bợ.
Sống gửi thác về, sinh ký tử quy.
Cuộc sống vĩnh hằng sau cái chết mới đáng kể.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, một người hỏi Đức Giêsu:
“Phải chăng chỉ ít người được cứu độ?” (Lc 13,23).
Có vẻ anh sợ mình không nằm trong số ít đó.
Đức Giêsu đã không trả lời ít hay nhiều,
Ngài chỉ nói vào Nước Thiên Chúa là chuyện không dễ.
Đơn giản là vì cửa vào khá hẹp.
Phải nỗ lực phấn đấu mới len vào được.
Như thế được cứu độ vừa là một ơn lớn của Chúa,
vừa đòi ta phải cố gắng sống xứng đáng với ơn đó.
Có người nghĩ rằng vì Chúa là Đấng nhân lành
nên chẳng có hỏa ngục, chẳng ai phải chịu luận phạt.
Người ta quên rằng ông chủ chỉ nói với người đầy tớ:
“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…
hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi (Mt 25,21),
sau khi anh đã vất vả làm ăn và sinh lợi gấp đôi số bạc.
Chính Con Thiên Chúa chỉ vinh quang vào Nước Cha
sau khi đã đi đường thánh giá dẫn đến cái chết.
Chẳng vị thánh nào cả đời đi theo Chúa trên cỏ xanh.
Thiên đàng là nơi của người chiến thắng sau khi chiến đấu.
Có nhiều người tìm cách vào mà không được (x. Lc 13,24).
Chúng ta không rõ tại sao có những người đứng ở ngoài
khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa (Lc 13,25).
Bây giờ không phải chỉ là cửa hẹp, mà là cửa đóng.
Không phải chỉ khó vào, mà còn không thể vào được.
Cửa vẫn đóng, bất chấp những tiếng gõ cửa và năn nỉ:
“Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi.”
Tiếng đáp lạnh lùng từ ông chủ nhà bên trong:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!” (Lc 13,25).
Ta chỉ mở cửa cho người mà Ta biết rõ gốc gác thôi.
Người đứng ngoài muốn cho chủ nhà biết
mình là người hết sức thân thiết gần gũi với ông:
“Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt ngài,
và Ngài cũng từng giảng dạy trên đường phố chúng tôi.”
Chúng tôi đã thông hiệp với Ngài trên bàn ăn,
và đã nhiều lần nghe các bài giảng của ngài.
Hy vọng ngài nhận ra chúng tôi là người Ngài quen biết.
Hy vọng ngài mau mau mở cửa cho chúng tôi.
Tiếc thay, lời từ chối được lặp lại quyết liệt hơn trước:
“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi !
hỡi tất cả những kẻ làm điều bất chính” (Lc 13,27).
Vào ngày tận thế, một tín hữu đã dự tiệc Thánh Thể,
đã nghe giảng Lời Chúa, vậy mà Chúa vẫn không nhận ra.
Chúa không nhận ra, không mở cửa, vì họ làm điều bất chính.
Sống chính trực là điều kiện cần để được vào dự tiệc.
Có những người từ đông tây nam bắc được vào.
Họ có thể là người chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô
nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa.
Nhờ ơn thánh, họ cố gắng sống theo tiếng lương tâm.
Những người đó vẫn có thể đạt được ơn cứu độ (x. LG 16).
Khi được vào thiên đàng, chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên,
vì gặp ở đây những người mà chúng ta không ngờ.
Lập tức, chúng ta hiểu được rằng
Thiên Chúa là Đấng vừa công bằng, vừa đầy thương xót.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Ai cũng thích đi trên đường rộng rãi thênh thang.
Đường hẹp là đường chẳng ai muốn đi.
Vậy mà Chúa lại bảo chúng con đi vào con đường hẹp.
Đường hẹp là đường Cha chọn cho Chúa,
cũng là đường Chúa chọn đi suốt đời.
Dù là Con Thiên Chúa,
Chúa đã sống phận người như chúng con.
sống nghèo, nay đây mai đó, bữa đói bữa no,
và chết nghèo, trần trụi trên thập giá như một tử tội.
Khi theo Chúa nghiêm túc,
Chúng con nhận ra những đòi hỏi của Chúa.
Chúng con không thể vừa chọn Chúa
vừa chọn thế gian, với những thần tượng của nó.
Chúng con không thể vừa muốn sống theo ý Chúa,
vừa chiều theo khuynh hướng tự nhiên.
Xin cho con chọn đi đường hẹp,
vì biết đó là đường dẫn đến sự sống.
Xin cho con vui sướng
khi đi trên Đường mang tên Giêsu,
vì đó là Đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa Cha. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Vượt Qua Mọi Rào Chắn
Giáo Hội bước đi trên con đường tình yêu và chân lý. Trong tình yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng trong phẩm giá, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên Chúa.
Tiên vàn chúng ta, trong tư cách là những người Kitô hữu, phải không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở dĩ thế giới này trở thành một đấu trường xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của tình huynh đệ chân thành), thì đó chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn luân lý của con người. Kitôhữu cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng được ban tặng cho thế giới, và ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Trong hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức mạnh và nguồn cảm hứng để vượt qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ, mối hiệp nhất trong các giáo hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Giám Mục Rôma.
Thế giới đang chờ đợi những chứng từ sống động về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu” (Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố gắng để nên một trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30/10
Ep 6, 1-9; Lc 13, 22-30.
Lời Suy Niệm: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết “ có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,23-24)
Chúa Giêsu cho chúng ta biết cửa Nước Trời luôn rộng mở cho tất cả những ai muốn vào. Nhưng đường dẫn vào Nước Trời lại là con đường hẹp, chứ không rộng thênh thang, đi trên con đường hẹp cần phải có đôi mắt sáng, đôi tai biết lắng nghe, đôi chân khỏe, tâm trí minh mẫn với sự quyết tâm đi cho đến cùng. Đặc biệt với đôi mắt cần nhìn thấy những vật cản, những hố sâu, những gai góc đầy mũi nhọn để né tránh, không làm gây thương tích hay trầy xướt thân thể của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết dùng những cử chỉ hy sinh, phục vụ, bác ái trong đời sống của mình như là những phương tiện để chiến đấu đi vào cửa hẹp, hầu nhận được ơn cứu thoát của Chúa. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
30 Tháng Mười
Viên Ðá Quý
Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách… Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái… Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá… Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. “Hãy vác lấy thập giá và theo Ta”, đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.
(Lẽ Sống)