Wednesday, January 29, 2025

HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

HomeNăm BMùa Thường NiênSuy Niệm Lời Chúa - Thứ Sáu XXXII TN - Năm B

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu XXXII TN – Năm B

BÀI ĐỌC I: 2 Ga 4-9

“Kẻ nào giữ vững đạo lý này, sẽ được Chúa Cha và Chúa Con”.

Trích thư thứ hai của Thánh Gioan Tông đồ.

Thưa Bà đáng kính, tôi rất đỗi vui mừng vì đã gặp thấy trong hàng con cái Bà có những kẻ sống trong chân lý, theo mệnh lệnh chúng ta đã nhận từ nơi Chúa Cha. Và thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà, không phải như thể tôi viết cho Bà một mệnh lệnh gì mới, nhưng là mệnh lệnh chúng ta có từ ban đầu: là chúng ta phải thương yêu nhau. Và lòng mến này là chúng ta hãy sống theo mệnh lệnh của Người, vì đây là mệnh lệnh, là anh em hãy sống theo luật yêu mến, như anh em đã học biết từ ban đầu.

Ấy là vì đã có lắm kẻ lừa gạt xuất hiện trong thế gian, những kẻ không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt. Đó là kẻ lừa gạt, và là Phản-Kitô. Hãy coi chừng chính mình anh em, để khỏi làm hư hỏng mất các công khó của chúng tôi, nhưng mà để được lĩnh một phần thưởng sung mãn. Phàm ai xông tới trước mà không lưu lại trong giáo huấn của Đức Kitô, tất không có Thiên Chúa. Kẻ nào lưu lại trong giáo huấn, kẻ ấy được có Cha và Con. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 1. 2. 10. 11. 17. 18

Đáp: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa (c. 1b).

1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa.

2) Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài.

3) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài.

4) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài.

5) Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn.

6) Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

ALLELUIA: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 17, 26-37

“Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

“Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

“Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

“Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại”.

Các môn đệ thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?” Người phán bảo các ông: “Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

15/11/2024 – THỨ SÁU TUẦN 32 TN

Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Lc 17,26-37

CHỌN LỰA KHÔN NGOAN

“Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết: Đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” (Lc 17,32-34)

Suy niệm: Số phận của mỗi người, trong ngày phán xét, “được đem đi” hay “bị bỏ lại” – nghĩa là được cứu độ hay bị loại ra – là quyền của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng tuỳ ở sự chọn lựa, ở cách sống của ta hôm nay. Chúa Giê-su lấy chuyện ông Nô-e và ông Lót trong Cựu Ước để minh hoạ điều đó: hai ông đã bỏ lại tất cả để đi theo đường lối của Thiên Chúa, vì thế họ được cứu; còn những người cố bám lấy những gì thuộc về thế gian thì bị huỷ diệt. Sống trên đời ai cũng phải chọn lựa, vấn đề là phải biết phân định để chọn lựa cách khôn ngoan. Và tiêu chuẩn để chọn đúng là: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9,27).

Mời Bạn: Sống là hướng về tương lai, và đương nhiên, không thể không nghĩ tới cơm áo gạo tiền. Nhưng cũng phải nhớ rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, vì ngoài thân xác, con người còn có linh hồn, có sự sống siêu nhiên. Những ai lấy vật chất làm cùng đích để rồi cố bám víu vào nó, cuối cùng nhận ra tất cả chỉ là “dã tràng xe cát biển đông” thì đã muộn.

Sống Lời Chúa: Tự vấn trước và sau khi hành động: tôi làm (hoặc đã làm) điều này vì mục đích gì?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những thực tại trần gian làm nền tảng cho cuộc sống. Xin đừng để chúng con quá ham mê những sự đời này đến mức lạc xa lý tưởng cao đẹp là được cư ngụ trong Nhà Chúa để hưởng phúc muôn đời. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Gần đây trong y học, người ta nói đến hội chứng Brugada.
Hội chứng này thường gặp ở nơi nam giới vùng Đông Nam Á.
Nó có thể gây tử vong bất thình lình và nhanh chóng,
cho một người khi ngủ vào ban đêm, dù trước đó anh vẫn khỏe mạnh.
Số người mắc hội chứng có tính di truyền này hiện đang gia tăng.
Đến nay người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân gây bệnh.
Sống làm người ở đời, con người phải đương đầu với bao bất ngờ.
Những điều tưởng như không thể nào xảy ra được, lại xảy ra.
Những điều đã tính toán rất cẩn thận, lại xảy ra không như ý.
Bệnh tật, rủi ro, tai nạn, và sau cùng là cái chết.
Những cái bất ngờ đến nhanh quá khiến con người không kịp trở tay.
Làm sao ta có đủ bình tĩnh để đón lấy mọi cái bất ngờ trong cuộc sống?

Kitô giáo chờ đợi một bất ngờ,
vì biết bất ngờ đó thế nào cũng đến, chỉ không biết rõ khi nào thôi.
Đó là Ngày Chúa Giêsu trở lại trái đất này
trong tư cách là Vua xét xử cả nhân loại.
Vào buổi đầu, nhiều Kitô hữu tưởng là Ngài sẽ trở lại ngay lập tức.
Nhưng dần dần họ thấy rằng Giáo Hội phải kiên nhẫn chờ đợi.
Chỉ khi chờ đợi điều chắc chắn sẽ xảy ra, tuy không rõ khi nào,
người ta mới không bị hụt hẫng khi biến cố xảy đến.
Giáo Hội đã chờ hai ngàn năm và hôm nay vẫn đang chờ.
Chờ và chuẩn bị cho Ngày Quang Lâm làm nên sức sống của Giáo Hội.
Nhưng chờ đợi lâu dài cũng có thể làm người ta mỏi mòn.
Cuộc sống hàng ngày với nhịp điệu bình thường, đều đặn, êm ả,
có thể cuốn hút ta vào một vòng xoáy khó có lối ra.
Cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nôê,
khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng.”
Dòng chảy tự nhiên ấy bị cắt đứt đột ngột bởi cơn hồng thủy.
Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời,
thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán,
họ đang trồng, họ đang xây” (c. 28).
Cuộc sống tưởng như cứ trôi đều, ai ngờ nó phải dừng lại.
Chuyện ăn uống, mua bán, lập gia đình, trồng trọt, xây cất
chẳng phải là điều xấu, cần phải tránh xa hay coi thường.
Nhưng chúng ta không để mình bị ru ngủ
bởi cái nhịp tự nhiên và quyến rũ của chúng.
Người Kitô hữu sống đời thường như mọi người một cách tỉnh táo.
Tận tụy nhưng lại không bị mất hút, hết mình nhưng lại còn chút e dè.

Sống tưng bừng giây phút hiện tại nhưng vẫn nhớ đến điểm tới.
Hai người nằm một giường, hai phụ nữ xay một cối (cc. 34-35),
nhưng số phận chung cuộc của họ lại khác nhau.
Có người được đem đi, có người bị bỏ lại.
Làm sao tôi đừng tiếc đồ đạc mà xuống lấy hay quay trở lại nhà (c. 31)?
Làm sao tôi đừng như vợ ông Lót quay nhìn lại và hóa thành cột muối?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao ;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG MƯỜI MỘT

Đức Giêsu Trân Trọng Những Thực Tại Đời Thường

Tiệc cưới Cana trong Tin Mừng Gioan là một câu chuyện hùng hồn nổi bật trên bối cảnh giáo lý mạc khải. Ở đầu sứ vụ mêsia của Người, Đức Giêsu Na-da-rét xuất hiện ở Cana, xứ Galilê, để dự một đám cưới. Người không đến đó một mình. Mẹ Người và các môn đệ Người cùng có mặt với Người ở đó.

Điều ấy cho thấy tầm quan trọng mà Đức Giêsu gán cho biến cố này. Tuy nhiên, thoạt nhìn, chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Cả bốn Sách Tin Mừng đều trình bày Đức Giêsu như một người dốc hết tâm lực để phụng sự Cha trên trời (Lc 2,49). Chính Người nói rằng sứ mạng của Người qui hướng vào việc thiết lập Nước Thiên Chúa, không phải một vương quốc trên cõi đời này.

Vì thế, việc Người tham dự một đám cưới có thể thoạt thấy như chẳng ăn nhập gì với tiếng gọi và với lối sống của Người. Nhưng sự thật không phải thế. Thầy Chí Thánh muốn dạy chúng ta biết cách định hướng các thực tại trần gian này qui hướng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Đám cưới ở Cana là một biến cố nêu bật giáo huấn này. Đức Giêsu liên đới với các thực tại đời thường của cuộc sống con người để giúp chúng ta hiểu rằng những giá trị đích thực của con người có thể và phải phục vụ cho một định mệnh siêu vượt trên cuộc sống trần gian này.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 15/11

Thánh Albertô Cả, Giám mục

Tiến sĩ Hội Thánh

2Ga 4-9; Lc 17, 26-37.

Lời Suy Niệm: “Và cũng như thời ông Noe, sự việc đã xãy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người; sự việc cũng sẽ xãy ra như vậy.” (Lc 17,26)

Càng gần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội muốn con cái của mình luôn biết chuẩn bị cuộc sống cho mai sau, chứ không thể dửng dưng như những con người thời ông Noe. Bởi vì sẽ xảy ra: “Đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường..; Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột..;Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết chuẩn bị cho ngày sau hết của mình bằng cách tin và sống Tin Mừng. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 15/11

THÁNH ALBERTÔ CẢ

Gíam mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1206 – 1280)

Thánh Albertô là một người thuộc thế hệ đầu của dòng Đaminh, Dòng được thành lập năm 1216. Ngài góp phần lớn trong những tiến triển quan trọng về trí thức trong thế kỷ XIII và Đức giáo hoàng Piô XII năm1941 đã đặt Ngài làm thánh bảo trợ cho những ai say mê nghiên cứu các khoa học tự nhiên.

Ngài sinh ra tại Swabia có lẽ vào năm 1206, là con trưởng thuộc một gia đình quí phái trong binh nghiệp. Điều người ta biết rõ về người thiếu niên Đức này là lòng yêu thích nghiên cứu học hành và thiên nhiên. Khi thì Ngài học với các thầy dòng Benedictô, khi thì Ngài lạc lõng trong miền quê, say mê quan sát cây cỏ khám phá các loại cây và để cho năng khiếu chín mùi trước cảnh sắc của tạo hóa.

Cuối cùng Albertô đã bỏ rơi truyền thống hiệp sĩ của gia đình. Một người cậu đã dẫn Albertô tới Bologne để hoàn tất việc học hành. Ngài nghe một bài giảng của chân phước Giocdano (Jordain) miền Saxe thuộc dòng Đaminh và cảm thấy được Chúa gọi, Nhưng lại ngập ngừng vì mới 16 tuổi. Ông cậu muốn Albertô quên đi ý tưởng này. Nhưng ở Padua, Albertô gặp lại chân phước Giocđanô và sau một cuộc đàm thoại đã nói với Ngài:- Thưa thày ai đã tỏ lộ lòng con cho Ngài ?

Từ đây không ai ngăn cản nổi ơn kêu gọi của Albertô nữa. Ngài vào nhà tập dòng anh em giảng thuyết. Lời cầu nguyện của Ngài diễn tả một ước muốn sống tự thoát: – “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con kêu lên Chúa, xin Chúa đừng để con bị quyến rũ bởi những lời hão huyền về danh giá gia đình, về uy thế của dòng tu, về sự lôi cuốn của khoa học”.

Dưới ánh sáng chân lý Ngài đã tuân theo, Albertô nhiệt thành nghiên cứu khoa học và trở thành tu sĩ thánh thiện, nhà tư tưởng lớn, giáo sư siêu việt, nhà sưu tầm bách khoa tài ba. Ngài có sự hiểu biết uyên bác đặc biệt như một số những nhà trí thức lớn thời Trung cổ.

Luôn luôn tìm gia tăng những hiểu biết, Albertô rảo qua khắp nước Đức, thu thập những ý niệm về các loại súc vật cây cỏ, trước tác những tác phẩm về khoa học tự nhiên. Ngài quan tâm tới các thuyết của Aristote và tìm cách Kitô hóa các lý thuyết đó. Ngài lần lượt dạy học tại Cvologne, Pribourg, Ratisbonne, Strasbourg, Ngài sẽ ảnh hửơng trọng yếu tới người học trò thiên phú này là “bò câm”, Ngài tiên báo rằng: tiếng rống của con bò này sẽ vang dội khắp nơi.

Khoảng năm 1240, Ngài tới Paris giữ ghế giáo sư tại đây. Các lớp học quá nhỏ không đủ để dung nạp hết các thính giả của Ngài, Ngài phải dạy họ tại công trường nay vẫn còn giữ tên Ngài: công trường Maubert hay Albertô cả. Lời Ngài có uy tín đến nỗi để chấm dứt cuộc tranh luận chỉ cần nói: “Thày Albertô đã nói vậy”.

Tài năng Ngài lan rộng tại đại học Paris, đạihọc danh tiếng nhất thế giới. Ngài trú ngụ tại nhà dòng thánh Giacobê, viết nhiều tác phẩm về nhiều đề tài khác nhau: thần học, toán học, luân lý, chính trị, triết học, hình học, điạ chất học. Người ta kể rằng: ngày kia một thày dòng Đaminh vô danh đến trước mặt thánh Albertô, tội nghiệp cho sự lao lực của Ngài và khuyên Ngài nghỉ ngơi lo lắng tới sức khỏe. Đây lại chẳng phải là một thần dữ mặc lốt thày dòng sao ? Để trả lời, thánh làm dấu thánh giá. Thế là hết các cám dỗ, satan trốn mất.

Vua thánh Luy (Louis) tỏ tình nghĩa với thày dòng thời danh này và trao cho Ngài nhiều kỷ vật quí báu trước khi nghe về Đức, bởi vì thánh Albertô được đặt làm giám tỉnh. Vâng lệnh đức giáo hoàng , Ngài giã từ căn phòng sách vở và học trò, suốt ba năm Ngài đi bộ, không tiền của, ăn xin để thăm các nhà dòng và lập nhiều nhà mới. Roma kêu mời Ngài để làm sáng tỏ cuộc tranh cãi giữa các giáo sĩ. Albertô được một thời an bình trong dòng để dạy học và viết lại những quan sát và suy tư của mình. Nhưng Đức giáo hoàng buộc Ngài nhậm chức Đức giám mục Ratisbonne, một trách vụ năng nề.

Trong trung tâm giàu có phồn thịnh này, người ta kể lại rằng: Đức giám mục không có lấy “một đồng tiền trong két, một giọt rượu trong hầm, một nhúm bột trong vựa”. Dầy vậy, thánh ALBERTO vẫn trả hết nợ và xây dựng một nhà thương. Khi đã hoàn thành công cuộc hết sưc có thể, Ngài xin từ chức để trở lại đời sống một tu sĩ đơn giản. Năm 1623 theo lệnh Đức giáo hoàng, Ngài đi kêu gọi nghĩa binh trong các làng quê nước Đức.

Một năm sau Đức giáo hoàng qua đời và Ngài ngừng công việc lại. Thánh Albertô thấy cần được hồi tâm. Ngài lui về tu viện Surtzbourg và đắm mình vào cuộc nghiên cứu và chỉ đi sửa lại những cuộc tranh luận cãi. Một lần nữa lại được rảo gọi qua các đô thị lớn nước Đức, Ngài thánh hiến các thánh đường, truyền chứa cho các giáo sĩ. Năm 1270 Ngài đến dạy tại Cologne. Ơ Công đồng Lyon, Ngài bênh vực Rodolphe I miền Habbsourg. Bảy năm sau, tức năm 1277, dầu đã già Ngài buộc phải đi Paris để bênh vực cho giáo thuyết học trò mình là Tôma Aqunô.

Albertô hoàn toàn già nua, Ngài chọn cho mình một phần mộ trong dòng và mỗi ngày đến đọc kinh nhật tụng cầu cho kẻ chết, để cầu cho chính mình. Dần dần Ngài đâm ra lú lẫn. Một lần có du khách hỏi thăm Ngài trả lời chắc nịch: – “Albertô không còn ở đây nữa, ông ta …”

Ngài qua đời êm ái tại phòng riêng giữa các anh em đầy chung quanh, Ngài được phong làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

15 Tháng Mười Một

Xuống Núi 

Có hai vị thiền sư vừa xuống núi. Họ đi vào trong một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt đã khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể băng qua ngã tư lầy lội được… Lập tức, một trong hai vị thiền sư đến bồng người thiếu nữ trên tay và đưa qua đường. Vị sư khác lấy làm khó chịu nên không mở miệng nói với bạn mình một lời. Mãi một lúc sau, không còn nhịn được nữa, ông ta mới lên tiếng: “Chúng ta là người tu hành, không được phép gần đàn bà, nhất là những cô gái đẹp. Sao anh lại bồng đàn bà trên tay?”.

Vị sư đã bồng người thiếu nữ trên tay mỉm cười đáp: “Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ rồi. Còn anh sao cứ mãi mang cô ta tới đây”.

Chúa Giêsu đã nói: “Chính từ lòng người mới xuất phát mọi tội ác… Sự hoán cải đích thực chính là hoán cải nội tâm. Tất cả những thực hành đạo đức bên ngoài, nếu không đi cùng một ý hướng ngay lành và một tâm hồn sám hối thực sự, chỉ là trò giả hình…

(Lẽ Sống)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments