Tuesday, December 10, 2024

HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

HomeNăm BMùa Thường NiênSuy Niệm Lời Chúa - Thứ Năm Tuần XXXII TN - Năm...

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm Tuần XXXII TN – Năm B

BÀI ĐỌC I: Plm 7-20

“Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Philêmon.

Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng.

Bởi đó, dầu trong Đức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi.

Tôi cũng muốn giữ nó lại để thay anh mà giúp đỡ tôi trong lúc tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý anh, nên tôi không muốn làm gì, để việc nghĩa anh làm là một việc tự ý, chứ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa.

Vậy nếu anh nhận tôi là bạn hữu, thì xin anh hãy đón nhận nó như chính mình tôi vậy. Nếu nó đã làm thiệt hại cho anh điều gì, hay mắc nợ anh, xin anh hãy tính vào sổ của tôi. Chính tôi là Phaolô đây, tôi tự tay viết là tôi sẽ thanh toán, trừ phi tôi kể ra cho anh hay rằng chính anh mắc món nợ với tôi. Hỡi anh, thật thế. Nhờ anh tôi sẽ được hân hoan trong Chúa: anh hãy làm cho tôi được thoả lòng trong Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Đáp: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Đức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

ALLELUIA: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 17, 20-25

“Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu “Khi nào nước Thiên Chúa đến”, thì Người đáp lại rằng: “Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: ‘Này nước trời ở đây hay ở kia’. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông”. Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: ‘Này Người ở đây và này Người ở kia’, các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

14/11/2024 – THỨ NĂM TUẦN 32 TN

Lc 17,20-25

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN

‘‘Triều đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát đuợc… vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)

Suy niệm: Mục đích sứ vụ của Đức Giê-su là thiết lập Nước Thiên Chúa ngay ở thế gian này; cho nên trọng tâm giáo huấn của Ngài cũng là lời rao giảng Nước Trời. Nước ấy đã bắt đầu và chỉ hoàn tất trong ngày cánh chung khi Ngài lại đến trong vinh quang. Với sự hiện diện của Đức Giê-su và các hoạt động: rao giảng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ… lời các ngôn sứ đã loan báo về thời đại cứu thế nay đã được ứng nghiệm (x. Lc 4,18.21). Và Đức Giê-su chính là hiện thân của “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta” rồi. Nước Thiên Chúa, ai cũng được mời gọi bước vào, chỉ với một điều kiện: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Mời Bạn: Quả thật, Nước Thiên Chúa đã hình thành và hiện diện  giữa những người thật, việc thật mà bạn đang gặp gỡ, tiếp xúc. Nước đó đang hiện thực nơi những mầu nhiệm cứu độ được diễn ra hằng ngày trong thánh lễ, cũng như nơi những tâm hồn đơn sơ, bé nhỏ, những con người thành tâm thiện chí. Phần bạn, bạn có ở trong số những người đang nỗ lực thực thi những giá trị Tin Mừng để Nước Thiên Chúa tiếp tục toả lan trong thế giới này không?

Sống Lời Chúa: Để Nước Chúa ngày càng lan rộng, mời bạn thực thi những giá trị Tin Mừng trong mọi hoạt động trong cuộc sống của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa yêu thương hết mọi người và Chúa muốn quy tụ tất cả trong vương quốc tràn đầy tình yêu, sự thật và công lý của Chúa. Xin giúp chúng con sống thế nào để người khác nhận ra Nước Chúa đang hiện diện ở giữa họ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Từ sau khi dân Ítraen định cư ở đất Canaan,
Thiên Chúa được họ coi như một vị Vua cai trị mọi dân tộc.
Đặc biệt Ngài là Vua ngự giữa dân Ítraen để lãnh đạo và chăm sóc họ.
Các vị vua trần thế đã xuất hiện trong dòng lịch sử của Ítraen
như những người phục vụ cho Đức Vua, cho Nước Thiên Chúa.
Tiếc thay có những vị vua đã không làm tròn sứ mạng.
Trải qua bao triều vua của nước Ítraen, bao thịnh suy của đất nước,
từ sau khi lưu đầy trở về, dân chúng chỉ còn biết chờ một Đấng Mêsia.
Họ tin Đấng ấy sẽ khai mở Nước Thiên Chúa.

“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c. 21).
Đức Giêsu đã nói với các ông Pharisêu như vậy
khi họ hỏi Ngài khi nào Nước Thiên Chúa đến.
Nước ấy không đến một cách lộ liễu ở đây hay ở kia để kiểm tra (c. 20).
Người Pharisêu không nhận ra Nước ấy đang ở giữa họ.
Chỉ ai biết nhìn, mới nhận ra Nước ấy đang hiện diện và hoạt động
nơi lời giảng và các phép lạ của Đức Giêsu.
Khi bệnh được khỏi, khi quỷ bị trừ, khi tội được tha,
khi con người biết hoán cải để sống những đòi hỏi của Đức Giêsu,
khi ấy Nước Thiên Chúa có mặt và tăng trưởng.

­­­Đức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa.
Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ qua dòng thời gian.
Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày cũng cứ lớn lên,
như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng,
Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn.
Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt.
Nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn thấy còn nhiều điều phải làm
để Nước đó được nhìn nhận bởi hơn 6 tỷ người trên trái đất.
Ngày nào thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công,
ngày nào nhân loại còn bệnh tật đói nghèo, còn nô lệ cho vật chất,
ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên địa cầu.
Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu,
chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người,
nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn.

Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Cha trị đến (Mt 6, 10).
Chúng ta biết mình được mời gọi để xây dựng Nước đó trên trần gian.
Để chuẩn bị cho Ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang,
chúng ta còn bề bộn công việc phải làm.
Ngài phải có chỗ trong lòng dân tộc, giữa thế kỷ hai mươi mốt.
Nhưng trước hết Ngài phải có chỗ trong lòng chúng ta.
Xin được đón lấy Nước Thiên Chúa như trẻ thơ, như người nghèo tay trắng.
Xin được quảng đại bán tất cả để mua viên ngọc quý là Nước Trời.
Xin được chia sẻ cho Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ nhất.
Vì Nước Thiên Chúa là một tiệc vui quy tụ mọi người từ bốn phương,
xin được mở rộng vòng tay từ bây giờ để ôm lấy cả thế giới.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.

Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG MƯỜI MỘT

Tình Yêu Cứu Độ Của Chàng Rể

“Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến, sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4,4). Khi người Con ấy (là Ngôi Lời vĩnh cửu) được sinh ra bởi người trinh nữ ở Na-da-rét, một sự kết hiệp rất đặc biệt đã được thực hiện: sự kết hiệp giữa thiên tính và nhân tính nơi ngôi vị thần linh của người Con ấy. Chúng ta gọi là ngôi hiệp. Sự kết hiệp này cho thấy tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với con người – như được bộc lộ xuyên qua mạc khải. Tình yêu đặc biệt này mang những dáng nét của tình yêu phu phụ, nghĩa là nó giống với thứ tình yêu kết hợp giữa vợ và chồng.

Đây là điểm độc đáo đặc trưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu mà một số ngôn sứ Cựu Ước đã làm chứng: Isaia, Hôsê, Êdêkien. Theo các vị ngôn sứ này, tình yêu của Thiên Chúa nhắm đến không chỉ một cá nhân, mà nhắm đến toàn thể dân Itraen. Trong Tân ước, Thư Êphêsô cũng khẳng định tương tự: Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc. Nhưng Người là “Hôn Phu của Giáo Hội” và Giáo Hội là Hiền Thê của Người. Tình yêu của Đức Kitô đối với con người vừa có đặc tính cứu chuộc vừa có đặc tính phu phụ.

Theo giáo huấn của Thư Êphêsô, tình yêu phu phụ của Đức Kitô đối với Giáo Hội là nguồn và là mẫu thức cho tình yêu kết hiệp người vợ và người chồng trong một “Mầu Nhiệm Vĩ Đại”, đó là hôn nhân (Ep 5, 32).

Bí Tích Hôn Nhân vừa là hình ảnh thể hiện vừa là sự tham dự vào cuộc hôn phối giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/11

Plm 7-20; Lc 17, 20-25.

Lời Suy Niệm: Người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! Hay ở kia kìa! Vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-21)

“Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến?”. Đây là câu hỏi mà những người Pharisêu đã hỏi Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu đã cho họ biết: “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Người muốn giới thiệu chính là sự hiện diện của Người với họ, nhưng rồi họ đã không muốn hiểu, mà lại muốn gạt bỏ Người ra khỏi cuộc sống của họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho tất cả các thành viên trong gia đình chúng con luôn ham thích đọc, suy niệm Tin Mừng để nhận ra sự hiện hữu của Chúa trong cuộc sống của chúng con và thế giới ngày hôm nay. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

14 Tháng Mười Một

Tôi Tiếp Tục Cuộc Chơi!

Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt như sau: “Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau:

– 57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.

– 26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.

– 32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.

– 6% người đàn ông muốn được sống bên vợ…

Trên đây có lẽ chỉ là những con số không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự chết: đó là sự cô đơn…
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?

Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết…

Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?

Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành v.v… Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi”.

Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.

Nếu chúng tabiết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút… thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.

Chúng ta đang cầu cho các đẳng linh hồn. Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để cầu cho họ. Ðó là những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của người Kitô. Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung thành của chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng thành thực sự, luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và nhàm chán hằng ngày…

(Lẽ Sống)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments