BÀI ĐỌC I: G 19, 21-27
“Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống”.
Trích sách ông Gióp.
Ông Gióp nói: “Hỡi các bạn hữu của tôi, ít ra các anh cũng thương xót tôi, thương xót tôi, vì tay Chúa chạm đến tôi. Tại sao các anh như Thiên Chúa bắt bớ hành hạ tôi vậy, và tại sao các anh no chán thịt tôi? Có ai ghi chép giùm lời tôi, có ai viết nó vào sách, dùng bút sắt ghi trên lá chì, hay dùng đục chạm vào đá?
“Vì tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Đáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Chúa”.
2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.
ALLELUIA: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 10, 1-12
“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
03/10/2024 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,1-12
LOAN BÁO TIN MỪNG, QUYÊN ƯU TIÊN SỐ 1
“Anh em hãy ra đi…. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10,1-12)
Suy niệm: Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những chiếc xe cứu thương hay xe chữa cháy bóp còi inh ỏi, đèn đỏ chớp nháy liên hồi, lao vun vút trên đường phố trong khi tất cả cả các phương tiện giao thông khác phải nhường đường tránh lối. Chúng ta biết rằng những xe đó có quyền ưu tiên vì đang thực hiện sứ mạng khẩn cấp liên quan đến sinh mạng con người. Chúa Giê-su dùng những ngôn từ rất mạnh để nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đó là công việc phải làm ngay, bất chấp cả hiểm nguy, làm trước các việc khác, dù phải hy sinh cả những mối quan hệ thân thiết nhất, phải làm cho bằng được, dù thiếu phương tiện hoạt động, và thiếu cả những nhu cầu cơ bản nhất để sống còn.
Mời Bạn: Bạn có thấy việc loan báo Tin Mừng ngày nay còn khẩn thiết hơn không? Bạn làm gì để dành quyền ưu tiên số một cho việc loan báo Tin Mừng? Bạn đang sống, đang làm việc giữa anh em lương dân, đó có phải là cơ hội để bạn biến các việc đời thường của mình thành lời rao giảng Tin Mừng không?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn tự nhắc nhở mình làm thật tốt việc đó với tinh thần truyền giáo loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chung quanh chúng con, còn nhiều người chưa nhận biết Chúa. Không thiếu sách vở, tranh ảnh về Chúa, nhưng chứng tá đời sống của các cá nhân và cộng đòan chúng con mới là những lời nói thuyết phục nhất. Xin Chúa gởi tới cánh đồng truyền giáo những sứ giả biết ghi dấu ấn Tin Mừng trong tất cả đời sống.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Đức Giêsu sai các môn đệ của mình đi trước,
từng hai người một, vào mọi thành phố và mọi nơi Ngài sẽ đến.
Sứ mạng dọn đường này không dễ chút nào.
Đức Giêsu biết rõ những hiểm nguy và chống đối đang chờ đợi họ.
“Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” (c. 3).
Chiên con trở nên hình ảnh của người môn đệ,
yếu đuối, không có khả năng chống cự khi gặp sự tấn công hung hãn.
Chính Đức Giêsu cũng là Chiên Con được Thiên Chúa sai đi.
Chính Ngài cũng “như chiên bị đem đi làm thịt,
như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).
Người môn đệ được sai vào thế giới mãi mãi thấy mình mong manh,
trước thế lực tưởng như không thể thắng nổi của sự dữ.
Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều:
không túi tiền, không bao bị, không giầy dép,
dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình.
Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác.
Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận.
Như thế là chấp nhận liên tục bấp bênh,
liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ.
Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn.
Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc.
Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ
qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8),
cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7).
Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12).
Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8),
thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện.
Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối,
khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.
Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị.
Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay.
Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần,
với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh.
Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.
Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố.
Làm sao ta có can đảm nói về Nước Trời cho những người vô tín,
và những người bị cuốn vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc ?
Làm sao nói về Đấng Vô Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình ?
Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống,
như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung,
và làm việc như một người thợ để phục vụ.
Giáo Hội vẫn cần xin nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG MƯỜI
Khuôn Mặt Nhân Loại Của Thiên Chúa
Thánh Kinh đưa ra câu trả lời rất phong phú cho câu hỏi: “Con người là ai?” Chúng ta tìm thấy câu trả lời này trong Sách Huấn Ca : “Đức Chúa tạo dựng con người từ bùn đất, và Ngài tạo nên họ giống hình ảnh Ngài. Ngài cho họ sống đời tạm trên trần gian và rồi lại trở về với đất bụi. Ngài ban tặng con người sức mạnh của Ngài, Ngài trao cho họ quyền thống trị mọi sự trên mặt đất.” (Hc 17,1-3)
Ở đây chúng ta có câu trả lời cho vấn nạn con người và định mệnh của họ. “Ngài tạo nên con người giống hình ảnh Ngài”. Vì thế, theo cách diễn tả rất khéo của thánh Gregory thành Nyssa (PG 44,446), con người là “khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa”. Để hiểu biết đúng đắn về con người, chúng ta không bao giờ được phép đánh mất quan điểm này của mạc khải Thánh Kinh; từ Sách Sáng Thế đến Sách Khải Huyền, Thánh Kinh khai mở đầy đủ chiều kích đích thực của con người. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và để cứu độ và giải phóng con người khỏi tội lỗi, Thiên Chúa đã đi vào thân phận con người.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 03/10
G 19, 21-27; Lc 10, 1-12.
Lời Suy Niệm: Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (Lc 19,1)
Trong hành trình Chúa Giêsu rao giảng về Nước Trời, có rất nhiều người đã đi theo Người, trong số đó Người tuyển chọn Nhóm Mười Hai, ngoài Nhóm Mười Hai này, Người còn chọn thêm Nhóm Bảy Mươi Hai. Những con người này đã họp thành một gia đình đích thực của Người. Những ai Người đã quy tụ quanh Người, Người đã dạy cho họ một “cách hành động” mới và cả một kinh nghiệm riêng: “Từng hai người một”.
Lạy Chúa Giêsu, trong thời đại ngày hôm nay, Giáo Hội của Chúa cũng đang kêu mời tất cả các thành viên trong Giáo Hội, phải biết hiệp hành, tham gia vào sứ vụ truyền giáo, để Nước Chúa sớm rộng lớn khắp nơi. Xin cho chúng con biết đi cùng nhau trong yêu thương và nâng đỡ nhau trong sứ vụ mà Chúa đang nhắn nhủ chúng con: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít”. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
03 Tháng Mười
Báu Vật Cuối Cùng
Ngày 10 tháng 3 năm 1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước lên máy chém vì tội rao giảng Phúc Âm.
Trong giây phút cuối đời, đứng trên đoạn đầu đài thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho họ một kỷ niệm và một bảo đảm đức tin, vị tử đạo lấy ra vật cuối cùng còn lại trong mình: đó là một cỗ tràng hạt… Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển người. Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng xứ Hungary đang trên đường chu du học hỏi, tình cờ ghé qua Glasgow.
Chuỗi tràng hạt này đã bám riết ông khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định rời bỏ giáo phái Calvin để quay trở lại với Công Giáo.
Những mẩu chuyện trên đây không phải là ít trong lịch sử Giáo Hội. Việc sám hối luôn gắn liền với kinh Mân Côi. Ðó là mệnh lệnh mà Mẹ Maria đã ban bố tại Fatima năm 1917: “Hãy năng lần hạt Mân Côi”.
Thánh Grêgoriô thành Nysse thường dùng thí dụ sau đây để nói về ảnh hưởng của kinh Mân Côi trong đời sống Kitô của chúng ta: “Mỗi người chúng ta được ví như một họa sĩ, linh hồn chúng ta là một khung vải còn nguyên vẹn, màu sắc được dùng là các nhân đức Kitô giáo, hình ảnh phải họa theo là chính Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh sống động của Chúa Cha. Họa sĩ nào càng muốn hình ảnh họa lại được giống hình mẫu, càng phải năng ngắm nhìn mẫu khi đặt bút vẽ”.
Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống Kitô. Qua kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ ôn đi, đọc lại nhiều lần, các biến cố đó sẽ thấm nhập tâm hồn chúng ta để dần dần biến chúng ta theo khuôn mẫu của các Ngài.
Kinh Mân Côi không những là hình thức đạo đức có tính cách cá nhân, nhưng còn là chất keo nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau. Còn hình ảnh nào được ghi đậm trong tâm khảm chúng ta cho bằng những giờ kinh Mân Côi đọc chung trong gia đình… Gần đây, người ta phát động việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình với khẩu hiệu: “Một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững”.
“Nơi nào có hai hay ba người ngồi lại với nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ”. Mà nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó cũng sẽ có Tình Yêu. Vì Tình Yêu là chất men liên kết mọi người trong gia đình lại với nhau.
Việc cầu nguyện trong gia đình, nhất là với kinh Mân Côi, là yếu tố bảo đảm sự bền vững của hôn nhân và khơi dậy ơn gọi trong gia đình.
Trong tông huấn về việc tôn kính Mẹ Maria, Ðức Phaolô VI đã nhắn nhủ chúng ta như sau: “Những điều kiện sinh sống đổi thay của ngày nay khiến việc hội họp gia đình không được dễ dàng và dù khi sum họp được thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc họp mặt khó biến thành một dịp nguyện cầu. Các gia đình muốn sống trọn vẹn ơn gọi và tinh thần của gia đình Công Giáo phải tận lực lướt thắng những áp lực cản trở gia đình không thể hội họp và cầu nguyện chung”.
Tinh thần đạo đức của các phần tử trong gia đình được thể hiện và tăng triển trong những giờ cầu nguyện chung, gồm cả việc đọc kinh hay đọc sách Thánh, chia sẻ lời Chúa, nhưng thuận lợi hơn cả đối với các gia đình Việt Nam đó là việc đọc kinh Mân Côi. Cũng chính Ðức Cố Giáo Hoàng VI khuyên nhủ chúng ta: “Sau việc đọc kinh Nhật Tụng thì việc đọc kinh Mân Côi được coi như một trong những kinh cầu nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích đọc”.
(Lẽ Sống)