BÀI ĐỌC I: Pl 3, 3-8
“Những điều xưa kia được kể là lợi ích cho tôi, thì nay tôi coi là bất lợi vì Đức Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, chính chúng ta là những người chịu cắt bì, chúng ta phụng thờ Thiên Chúa theo thần trí, và khoe mình trong Đức Giêsu Kitô, chứ không tin tưởng vào xác thịt, mặc dầu chính tôi cũng có thể ỷ lại vào xác thịt. Nếu có ai khác nghĩ mình có lý để ỷ lại vào xác thịt, thì tôi còn có lý hơn: tôi đã chịu cắt bì từ ngày thứ tám, là người chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người Do-thái sinh bởi người Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng đạo đức nhiệt thành, tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công chính do lề luật công bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách.
Nhưng những điều xưa kia được kể là ích lợi cho tôi, thì nay vì Đức Kitô tôi coi là bất lợi. Vả lại tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7
A+B=Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).
A=Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa.
B=Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết.
A=Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu.
ALLELUIA: 2 Cr 5, 19
-Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 15, 1-10
“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!’ Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
07/11/2024 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10
LÝ DO ĐI TÌM
“…đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được…” (Lc 15,4.8)
Suy niệm: Một trong những ngành nghề phổ biến của người Do Thái ngày xưa là chăn nuôi gia súc. Những gia đình khá giả sở hữu hàng ngàn chiên cừu là chuyện bình thường. Người chăn chiên được nói ở đây chỉ có 100 con chiên, nghĩa là rất ít. Đã có ít mà lại lạc mất một con thì tiếc lắm. Cho nên, người mục tử sẵn sàng để lại 99 con kia trên núi cấp tốc đi tìm ngay con chiên lạc. Cũng thế, người phụ nữ này có 10 đồng tương đương với thu nhập của 10 ngày công là cả một gia tài. Mất một đồng là mất cả một ngày công vất vả, bà tiếc lắm. Thế nên bà bỏ công quét nhà, moi móc mọi ngóc ngách tìm kiếm ngay trong đêm mà không đợi đến sáng hôm sau. Con người còn quý giá hơn thế nhiều vì được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, lại được Đức Giê-su cứu chuộc bằng giá máu của Người. Vậy nếu ai đó lỡ phạm tội mà sám hối trở về thì cả thiên đàng vui mừng khôn xiết.
Mời Bạn: Trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn này, chúng ta dâng lời cầu nguyện kết hợp với hy sinh và việc lành phúc đức để xin Chúa thanh luyện linh hồn những người đã qua đời, cho họ sớm được giải thoát khỏi chốn luyện hình và được hưởng nhan thánh Chúa. Nhờ đó chúng ta cũng được hoà chung niềm vui với triều thần thánh trên thiên đàng.
Sống Lời Chúa: Dâng lời cầu nguyện và làm việc hy sinh để tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không muốn một ai trong chúng con phải hư mất. Xin vì lòng thương xót Chúa, cho các linh hồn đã qua đời được sớm hưởng nhan thánh Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả,
nhưng lại xa lạ và lạnh lùng với con người,
vì con người có là gì đâu trước mặt Thiên Chúa.
Thật ra con người là mối bận tâm lớn của Ba Ngôi,
đến độ ta dám nói rằng con người chiếm chỗ trong tâm trí Thiên Chúa.
Trước khi con người hướng về Thiên Chúa
thì Thiên Chúa đã đưa tay ra, hướng về con người.
“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi.”
Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Thiên Chúa Ba Ngôi sống cho nhau,
nhưng cũng sống vì con người và cho con người.
Hai dụ ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa quý con người.
Mà con người ở đây lại không phải là những người thánh thiện.
Có những động từ được nhắc đến trong cả hai dụ ngôn :
có, mất, tìm, tìm được, chung vui, vui mừng.
Những động từ này nói lên tất cả tình cảm của Thiên Chúa.
Dụ ngôn về người đàn ông hay người phụ nữ
có một trăm con chiên hay mười đồng quan.
Vì lý do nào đó, một con chiên hay một đồng quan bị mất.
Sự mất mát này lớn lao đến nỗi người ta muốn tìm cho kỳ được.
Tìm cho kỳ được là tìm đến khi thấy mới thôi (cc. 4. 8).
Việc tìm kiếm này đòi phải hành động quyết liệt.
Người chăn chiên để chín mươi chín con ngoài đồng hoang,
người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi ngõ ngách.
Trong lo âu, người tìm kiếm chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.
Chính vì thế niềm vui bùng lên khi tìm thấy điều đã mất.
Niềm vui không giữ lại cho riêng mình trong lòng.
Niềm vui đòi chia sẻ với bạn bè, với bà con lối xóm.
“Xin ông bà anh chị chung vui với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).
Thiên đàng không cắt đứt với trần thế.
Các thiên thần của Thiên Chúa vui vì một người tội lỗi hối cải (c. 10).
Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.
Mỗi tội nhân hoán cải là một thành tựu của Thiên Chúa.
Ngài quý từng con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài.
Thái độ của Đức Giêsu đối với tội nhân cho thấy trái tim Thiên Chúa.
Trái tim ấy nghiêng chiều về những con người đã lạc đường.
Đồng quan không thể tự ý trốn đi, nhưng con người có tự do quay lưng.
Thiên Chúa đi tìm con người quay lưng ấy.
Với sự khiêm hạ, Ngài chinh phục trái tim con người.
Hãy để Ngài đi tìm bạn, và cho Ngài niềm vui khi tìm thấy người đã mất.
Nói cho cùng, Thiên Chúa đi tìm ta suốt đời,
trong một cuộc chơi năm mười kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.
Hãy cảm được sự tế nhị của Ngài khi cố tìm ta mà vẫn tôn trọng tự do.
Nếu ta chịu để Ngài tìm thấy, ta sẽ nếm được ngay niềm vui thiên đàng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG MƯỜI MỘT
Một Cộng Đoàn Yêu Thương
Cộng đoàn Kitôhữu được sinh ra từ Lời Chúa và cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhưng có một yếu tố thứ ba nữa làm nên đời sống cộng đoàn, đó là tình yêu được Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm 5,5). Thật vậy, cộng đoàn sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không thi hành điều mà Công Đồng gọi là “luật” của Dân mới của Thiên Chúa: yêu thương như Chúa Kitô yêu chúng ta (LG. 9)? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có mối hiệp thông trọn vẹn với giám mục của mình và với Giáo hội trên toàn cầu?
Nhưng tình yêu ấy phải hữu hình. Nó phải là đặc trưng cho mọi khía cạnh đời sống chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn. Mối hiệp thông thiêng liêng phải trở thành một mối hiệp thông của các quan hệ phong phú giữa người với người. Chúng ta phải có một cung cách đích thực Kitôhữu trong quan hệ với nhau. Như tôi đã từng khẳng định, thật vô cùng quan trọng việc một giáo xứ trở thành tiêu điểm sum họp vừa mang tính nhân bản vừa mang tính Kitô giáo, để tạo lập một đời sống cộng đoàn trọn vẹn.
Các cộng đoàn chúng ta được mời gọi cảm nếm trước nền văn minh tình thương. Và, căn cứ vào mẫu thức của các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên, thì chúng ta phải thể hiện được một đời sống xã hội phong phú đặc trưng bởi tình huynh đệ đích thực. Mối quan hệ của chúng ta phải được định hình bởi bởi tinh thần hiếu hòa và dâng hiến. Chúng ta cần một tinh thần cộng tác và hòa giải – để chữa lành những vết thương. Chúng ta cần một đời sống thiêng liêng vững mạnh có sức kết hiệp chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa cũng như với tình yêu của anh chị em chung quanh mình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07/11
Pl 3, 3-8a; Lc 15, 1-10.
Lời Suy Niệm: Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc 15,1-2)
Khởi đầu chương 15 Tin Mừng của Thánh Luca, tác giả cho chúng ta thấy được tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Giêsu Kitô. Qua ba dụ ngôn đó cho chúng ta thấy được Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho mỗi người trong chúng ta. Với dụ ngôn thứ nhất miêu tả Thiên Chúa như là người mục tử đi tìm cho bằng được con chiên bị lạc, với dụ ngôn thứ hai cho chúng ta thấy được như người đàn bà tìm cho bằng được chính đồng bạc bị đánh mất và dụ ngôn thứ ba cho chúng ta thấy như là người Cha luôn đứng trông chờ người con thứ trở về, người cha đã chuẩn bị sẵn: “áo mới”, “giày mới” và “nhẫn mới” để phục hồi nguyên trạng là con ruột của mình. Cả ba dụ ngôn đều có chúng một một niềm vui: “mở tiệc ăn mừng”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết sám hối những lỗi phạm của mình, và vững tin vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa mà sớm quay trở lại với Ngài. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
07 Tháng Mười Một
Nỗi Khao Khát Của Hạt Muối
Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là biển… Ngày kia, nó ra đi… Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:
– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng trả lời:
– Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.
Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:
– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:
– Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.
Hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa tan trong nước. Có chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào là biển… Thiên Chúa cao cả hơn lý trí của con người. Chúng ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng lý trí… Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới có thể biết được Ngài là ai. Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến, tri ân.
(Lẽ Sống)