Thursday, March 20, 2025

HỌ ĐẠO CÔN SƠN


Loan Báo Tin Mừng

HomeNăm CMùa Thường NiênSuy Niệm Thứ Năm Tuần 7 Mùa thường niên

Suy Niệm Thứ Năm Tuần 7 Mùa thường niên

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 5, 1-10 (Gr 1-8)

“Ngươi hãy mau mau quay về với Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Ngươi đừng cậy vào gia sản bất chính và đừng nói: “Ðời sống của tôi thật là đầy đủ”. Vì chưng trong thời báo oán trả ân, cái đó có ích gì? Khi còn mạnh khoẻ, chớ chạy theo đam mê của lòng ngươi và đừng nói: “Ai làm gì được tôi?”, hoặc “Trong các việc tôi làm, ai có thể bắt tôi suy phục được?” Bởi vì chắc chắn Thiên Chúa sẽ báo oán ngươi. Ngươi đừng nói rằng: “Tôi đã phạm tội, nào có sao đâu?” Ðấng Tối Cao là Ðấng xét xử nhẫn nại. Ngươi chớ yên tâm về tội đã được tha, để rồi chồng chất tội này trên tội nọ. Và ngươi cũng đừng nói: “Lòng nhân từ của Chúa thật lớn lao, Người thứ tha muôn vàn tội lỗi của tôi”, vì lòng nhân từ và cơn thịnh nộ rất gần nhau, và cơn thịnh nộ của Người đè nặng trên những kẻ tội lỗi. Ngươi hãy mau mau quay về với Chúa và đừng lần lựa rày mai; vì cơn thịnh nộ của Người sẽ đến bất ưng và huỷ diệt ngươi trong thời báo oán. Ngươi đừng ỷ lại vào những của bất chính, vì chưng trong thời báo oán trả ân, nó sẽ chẳng ích gì cho ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa

1. Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối của tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

2. Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

3. Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 9, 40-49 (Gr 41-50)

“Thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.

“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”.

Ðó là lời Chúa.

+++++++++++

Suy Niệm

Thứ năm 27/02/2025

MC 9,41-50

ANH EM THUỘC VỀ ĐỨC KI-TÔ

“…Vì anh em thuộc về Đức Ki-tô.” (Mc 9,41)

Suy niệm: Trong sân của một ngôi trường phổ thông kia có những hàng phượng trồng đều tăm tắp. Giữa những hàng phượng đó, có một cây đặc biệt được bao quanh bằng một hàng rào sắt sơn phết thật đẹp. Lý do khiến nó được ‘ưu ái’ như vậy không phải vì nó là giống phượng quý đẹp hơn những cây khác mà vì nó đã được trồng bởi chính tay vị chủ tịch nước khi ông đến thăm trường. Chuyện cây phượng chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với việc các môn đệ được thuộc về Chúa Ki-tô. Chẳng những họ coi như hiện thân của chính Chúa Ki-tô –“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40)– mà cả những ai tiếp đón họ, dù chỉ với một ly nước lã, cũng được trọng thưởng nữa.

Bạn ơi, bạn vốn có phẩm giá cao quý vì bạn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ bí tích Rửa tội, bạn trở nên con cái Thiên Chúa và được thuộc về Đức Ki-tô, bạn lại càng trở nên cao quý hơn gấp bội phần. Ý thức như thế, chúng ta trân trọng phẩm giá cao quý Chúa ban tặng cho mình để nhờ ơn Chúa, chúng ta sống cuộc sống công chính thánh thiện. Đồng thời, chúng ta cũng biết nhìn nhận phẩm giá cao quý của anh chị em và cư xử với nhau trong tình yêu thương và tương kính. Bạn có biết lời cầu nguyện và các bí tích là những cánh cổng giúp bạn kết nối với Chúa và được thuộc về Ngài không? Mời bạn liên lạc nối kết với Ngài để thuộc về Ngài cách sâu đậm hơn.

Sống Lời Chúa: Luôn dành riêng một thời gian trong ngày để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa đã kêu gọi con làm con Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với phẩm giá cao quý này.

++++++++

Lẽ Sống

Thứ năm 27/02/2025

   Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “Ba Thập Giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.

Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments